Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm chiến tranh vẫn in đậm trong tâm khảm của bao người. Hồi tưởng lại quá khứ, càng tự hào với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh, chính xương máu của thế hệ trước đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc ngày hôm nay. Để tưởng nhớ công lao to lớn của các lớp cha anh đi trước, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tổ chức chuyến đi thăm về lại chiến trường xưa cho đoàn cán bộ Bệnh viện gồm 56 đồng chí đại diện cho gần 800 cán bộ Bệnh viện Đk tỉnh có thành tích được tặng thưởng trong năm 2017 do Ths.Bs Lê Văn Tịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn.
Đoàn cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chuẩn bị dâng hương lên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến
Điểm đến đầu tiên của đoàn là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bình yên , giản dị… đó là cảm nhận khi chúng tôi đến thăm ngôi mộ của ông – Vị tướng của nhân dân vào một ngày tháng 8.
“…Người - con chưa từng gặp nhưng chẳng hề xa xôi
Người - với nụ cười ngời nên thần thoại
Sóng biển Đông nghiêng mình thầm ngân mãi
Một thân rồng họ Võ cháy thiên thu…”
Đó là những dòng thơ của một cây bút trẻ Lương Đình Khoa sáng tác trong những ngày cả nước khóc thương cho sự ra đi của Đại tướng. Những cống hiến của Đại tướng đã làm cho thế hệ của chúng tôi ngày hôm nay biết yêu hơn những con người cả cuộc đời dốc lòng vì nghĩa, yêu hơn giá trị của hai chữ “Hòa bình”. Hôm nay đoàn cán bộ Bệnh viện được đến thăm Người, đa phần trong số chúng tôi đều là lần đầu tiên được đến thăm Người tại chính quê hương của . Tất cả đều lặng im cúi đầu, kính cẩn thắp nén hương thơm, kính dâng lên Người để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc. Trong dòng người ấy, tôi bắt gặp chị C (khoa CTCH) với ánh mắt rưng rưng tâm sự: “Được biết điểm đến đầu tiên của đoàn là mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không hiểu sao trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc rất đỗi khó tả, mặc dù 4h sáng xe mới lăn bánh nhưng cả đêm tôi cứ thao thức không sao ngủ được, mong đến từng giây phúc được vào viếng Người, được thắp nén hương, dâng bó hoa thơm lên trước nơi an nghỉ của Người. Bởi qua nhiều câu chuyện được ông bà kể lại, đặc biệt được Bs Vũ Duy Tuấn – Chủ tịch Hội CCB bệnh viện trực tiếp kể một cách say sưa trên xe tôi như được phần nào hiểu hơn về công lao và sự hi sinh to lớn mà Người dành cho dân tộc Việt Nam”.
Đoàn cán bộ Bệnh viện Đk tỉnh Vĩnh Phúc nghiêng mình kính cẩn thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh bên dòng sông Thạch Hãn
Bs Vũ Duy Tuấn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bệnh viện Đa khoa tỉnh thắp hương tri ân các đồng đội bên dòng sông Thạch Hãn
Đoàn đến Quảng Trị vào buổi trưa bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa nhưng không khí như bị chìm đi cùng giọng nói miền trung của chị hướng dẫn viên:
“Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…”
(Trích thơ "Lời người bên sông" – Lê Bá Dương)
Và xin chèo nhẹ thôi, đò ơi… dẫu hôm nay chúng tôi – gần 60 cán bộ Bệnh viện về thăm dòng Thạch Hãn bên bờ thành cổ bình yên, nhưng tất cả dường như đều nhè nhẹ bước chân, bởi ai cũng hiểu rằng ở dưới kia, dưới dòng sông hiền hòa đó đã có hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có người đã về với quê mẹ, và có người còn nằm đâu đó dưới đáy sông.
Cán bộ BV Đk tỉnh thăm lại chứng tích một thời của chiến tranh cũng như di vật để lại của các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ quảng Trị
Mang nguyên tâm trạng xúc động bên bờ sông Thạch Hãn, đoàn tiếp tục đến với Thành cổ Quảng Trị nơi ghi dấu của “khúc tráng ca bất tử”:
“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ...
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ...”
Lời hát da diết, âm vang tại Thành Cổ hôm nay đã làm lay động tất cả chúng tôi khi đến nơi này. Khói hương vẫn nghi ngút và những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi của những lớp người sau trước nấm mồ sáng tươi sắc sao vàng Tổ Quốc tại Thành Cổ. Hàng chục vạn chiến sĩ đã nằm lại nơi đây, họ đã không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Linh hồn các anh đã hòa quyện với đất, trời Quảng Trị mà cho đến nay, khác với các nghĩa trang liệt sỹ khác, mỗi chiến sỹ hy sinh đều có một nấm mồ cho dù đã biết tên hay chưa kịp biết tên. Nhưng riêng Thành Cổ Quảng Trị là một nghĩa trang mà không nấm mồ, chỉ có một đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành ngôi mộ chung cho những người đã mất mà thôi. Chưa dừng lại ở đó, tất cả dòng cảm xúc như “vỡ òa” khi đoàn dừng chân khi nghe HDV giới thiệu về lịch sử oanh liệt tại thời điểm năm , quá trình chiến đấu của quân và dân ta để bảo vệ Thành cổ . Đâu đó quanh tôi, những tiếng sụt sịt, nghẹn nghào, nức nở không thành tiếng của các thành viên trong đoàn dường như cố kìm nén lại cảm xúc trong trái tim để không òa khóc thành tiếng cho vơi đi nỗi niềm thương xót. Không ai nói với ai, lặng lẽ đưa tay chấm những giọt nước mắt lăn vội trên gò má, mắt đỏ hoe…Hướng đôi mắt trầm buồn về Đài tưởng niệm, Đoàn chúng tôi mỗi người một tâm trạng, nhưng tôi tin rằng: Tôi và các thành viên trong đoàn đều thấu hiểu sự hy sinh to lớn của bao lớp người đi trước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, vì tự do của Tổ quốc để cho chúng tôi có cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay.
Rời Thành cổ Quảng trị, Đoàn chúng tôi lên xe, tiếp tục cuộc hành trình nhưng không khí bao trùm trên xe các thành viên của Đoàn một cách trầm lặng, lưu luyến. Những lời thuyết minh, những trang ảnh, những hiện vật minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh và còn đó những hình ảnh chiến đấu anh dũng của các chiến sỹ ta vẫn nguyên vẹn trong tâm trí mỗi chúng tôi. “Tôi sẽ không sao quên được cảm xúc bồi hồi xúc động vì biết dưới mỗi bước chân của mình vẫn còn xương thịt của các người chiến sĩ kiên cường, bất khuất” – lời tâm sự đầy mộc mạc, nhưng chứa đựng bao tâm tư của chị H, bác sĩ khoa Da Liễu.
Đoàn cán bộ Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9
Điểm đến tiếp theo của đoàn là Nghĩa trang quốc gia đường 9 (một trong 3 nghĩa trang quốc gia của cả nước), nơi có 9.423 người con ưu tú của đất Việt, trong đó có 332 người con Vĩnh Phúc an nghỉ. Nơi đây là minh chứng hùng hồn nhất cho tình Quốc tế cao cả của dân tộc. Sự sẻ chia, tình keo sơn gắn bó Việt - Lào mãi mãi bền chặt không chỉ bởi “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” mà ở mỗi bản, làng còn thấm đẫm máu, nước mắt và nụ cười của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathét Lào. Tại đây, đồng chí Lê Văn Tịnh - Trưởng đoàn đã thỉnh 9 tiếng chuông, đặt vòng hoa và dâng hương kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sỹ.
Đoàn cán bộ Bệnh viện chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Tiếp đó, đoàn di chuyển đến với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, là nơi quy tụ của hơn 10.333 phần mộ các anh hùng liệt sĩ. Đoàn đã dâng hoa, thắp nén tâm hương trên mộ phần của các liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong những năm, tháng chống Mỹ cứu nước. Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây vẫn không thể tưởng tượng nổi cả một khu đồi bạt ngàn là mộ. Đứng trước nơi đây, tôi thấy mình thật nhỏ bé, nhỏ bé trước những mất mát, những hi sinh, nhỏ bé trước cả một thế hệ anh hùng đã ra đi để bảo vệ cho nền độc lập. Muốn lắm, muốn được dâng lên tất cả các anh, các chị những nén nhang thành kính, nhưng làm sao có thể đi hết được bây giờ? Bởi nơi các liệt sĩ nằm rộng lớn quá mà thời gian ở nơi này thì có hạn. Khi đứng trước 10.333 ngôi mộ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Tới đây, ai trong chúng tôi cũng đều có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ, tất cả đều cố gắng thật nhanh để thắp được thật nhiều nén tâm hương tới phần mộ các anh sao cho đỡ hiu quạnh, đỡ lạnh lẽo.
Bs Lê Văn Tịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện thỉnh 9 tiếng chuông tại Tháp chuông - Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn
Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là địa đạo Vịnh Mốc. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, địa đạo Vịnh Mốc được mệnh danh là vùng đất lửa vì nơi đây từng là “tọa độ chết", là mục tiêu hủy diệt của địch, máy bay rải bom trên không, pháo bắn từ hạm đội ngoài biển vào. Thế nhưng, chính từ nơi chiến trường ác liệt ấy, bằng sức người và ý chí “nhà nhà đào địa đạo”, "Địch càn, dừng đào; địch rút, tiếp tục đào", nhân dân Vịnh Mốc đã làm nên một kỳ tích sống trong lòng đất.Thật ngưỡng mộ khi nhìn thấy những hội trường, hầm tư lệnh, phòng nghỉ, giếng nước, trạm gác, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý, khoa học... vẫn vẹn nguyên, lưu dấu xưa nằm sâu dưới lòng đất. Ngạc nhiên hơn cả khi được chứng kiến cảnh tái hiện sinh hoạt đời thường của người dân và thật sự xúc động khi bước vào ngăn hầm dùng làm bệnh xá, nhà hộ sinh - nơi 16 đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trong mưa bom, lửa đạn…
Đoàn cán bộ Bệnh viện Đk tỉnh Vĩnh Phúc thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại phần mộ dành cho tỉnh Vĩnh Phúc ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn
Cán bộ Bệnh viện ĐK tỉnh thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa Trang Liệt sĩ Trường Sơn
Dẫu biết chiến tranh là mất mát, là hy sinh. Nhưng có những sự hi sinh đã trở thành bất tử, đã làm nên huyền thoại của một dân tộc. Và chắc hẳn trong số chúng ta không ai có thể quên được những chàng trai cô gái đã làm nên một huyền thoại ấy, đó là sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc.
Đoàn cán bộ BV Đa khoa tỉnh tập trung xem lại những thước phim về 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong
Chúng tôi được cô hướng dẫn viên mặc trang phục màu xanh áo lính nhiệt tình diễn giải như thể chính mình đã từng chứng kiến những khoảnh khắc đáng nhớ thời chiến tranh ngày nào. Trong căn phòng nhỏ nhưng có tới gần 60 cán bộ ngồi ngồi lặng người nghe, mường tượng về nơi ngã ba một thời khói lửa mà rất đỗi hào hùng. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Các chị đã vĩnh viễn nằm lại tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam khi tuổi đời mới chỉ 18, đôi mươi và chưa có ai lập gia đình. Tên tuổi 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành bất tử như nhà thơ Vương Trọng đã viết trong bài : “Lời thỉnh cầu giữa Ngã ba Đồng Lộc năm 1995: …Hai bảy năm trôi qua chúng tôi không thêm một tuổi nào…”.
Đoàn cán bộ Bệnh viện ĐK tỉnh chuẩn bị dâng hoa lại Làng Sen - quê nội Bác Hồ Chí Minh
Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là một ngôi làng. Một ngôi làng mà những hình ảnh thân yêu, gần gũi đã in sâu vào tiềm thức người Việt. Nơi ấy đẹp như một bức tranh yên bình, có những mái nhà tranh dưới lũy tre xanh…Ngôi làng mang tên làng Sen vì luôn ngát hương Sen, là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc. Giọng chị hướng dẫn viên tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trìu mến như khúc hát ru bên nôi. Có cái gì như là rưng rưng... Phải chăng, miền quê khổ nghèo, nhưng nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước ấy đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại. Và phải chăng, tất cả những điều vĩ đại, đều chứa đựng trong mình những gì gần gũi, bình dị nhưng thấm đậm hồn quê hương. Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị mà vĩ đại...
Chuyến đi là tình cảm, là lòng thành kính, là sự biết ơn vô hạn của tập thể cán bộ Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc trước sự hy sinh, đóng góp thân mình vì nền độc lập, tự do và bình yên cho Tổ quốc. Mỗi người chúng ta trở về đều mang trong mình một suy nghĩ riêng. Nhưng có những điểm chung trong những suy nghĩ ấy, đó là những bài học lịch sử về sự hy sinh, vượt khó khăn của lớp lớp cha anh đi trước. Công lao của các anh hùng đã hy sinh vì đất nước luôn được Đảng, Nhà nước, quê hương Vĩnh Phúc và những thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn và mãi mãi ghi công. Trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ, tập thể cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nguyện hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ.“...đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...”./.