Cứ mỗi 5 giây, thế giới lại có thêm 1 người bị khiếm thị; và cứ 5 người khiếm thị thì có 4 người lẽ ra đã có thể chữa trị được. Chính vì vậy, Ngày Thị Giác Thế Giới đã ra đời. Ngày Thị Giác Thế Giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998. Đây là sáng kiến của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) và tổ chức Quốc Tế Về Phòng Chống Mù Lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị mù lòa. Mục tiêu của chương trình này là giảm thiểu và loại bỏ các bệnh mù lòa có thể tránh khỏi trên toàn thế giới cho đến năm 2020.
|
Hơn 800 học sinh trường TH Tam Hồng được khám mắt miễn phí |
Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2018 với chủ đề “Chăm sóc mắt cho tất cả mọi người ở bất kỳ nơi đâu”, từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 10 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức khám sàng lọc về mắt cho tổng số 822 học sinh trường Tiểu học Tam Hồng 1. Thông qua việc khám sàng lọc đã phát hiện ra 228 trường hợp (chiếm 27,7%) giảm thị lực liên quan đến tật khúc xạ trong đó có 32 trường hợp đã đeo kính trước đó.
|
Các em học sinh được thăm khám, sàng lọc những bệnh về khúc xạ |
Với tỉ lệ học sinh phát hiện giảm thị lực khá cao, trong số đó có đến 2/3 học sinh đã bị cận thị. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số lời khuyên:
- Cần phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa: chẳng hạn khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
- Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm.
|
Đo mắt bằng máy đo hiện đại |
- Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT.
- Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.
Ngoài ra, nên có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng/ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt, hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh khi mua kính cho trẻ cần chọn những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng.
Tác giả: Thành Tuyên