Kiểm tra thính lực thường xuyên nhằm phát hiện sớm những biểu hiện của chứng suy giảm thính lực để từ đó có biện pháp can thiệp hiệu quả.
1.Mất thính lực là gì?
Suy giảm thính lực là khả năng tiếp nhận âm thanh không còn được như bình thường. Đây là một triệu chứng khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là gây tai nạn thương tích cho bệnh nhân.
Người bị mất thính lực hay suy giảm thính lực khi họ gặp phải tổn thương ở tai hoặc các bộ phận của tai, đặc biệt là ở tai giữa. Ở những người bị mất thính lực hoặc suy giảm thính lực thì khả năng nghe của họ trở nên khó khăn hơn người bình thường. Họ có thể nghe được một số âm thanh hoặc tiếng động, ở một số trường hợp lại hoàn toàn không nghe được âm thanh nào cả.
Suy giảm thính lực (hay còn gọi là điếc, nặng tai, lãng tai…) xảy ra khá phổ biến hiện nay. Chủ yếu do các nguyên nhân như: điếc bẩm sinh; suy giảm thính lực ở người già; suy giảm thính lực do các tổn thương ở tai. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cứ 1000 trẻ em sinh ra có 1 – 3 trẻ bị mất thính lực (điếc bẩm sinh); năm 2015, có khoảng 360 triệu người bị nghe kém hay còn gọi là khiếm thính. Đặc biệt, khoảng một phần ba số người trên 65 tuổi đang phải đối mặt với tình trạng này.
Khách hàng được đo thính lực bằng máy Harp Basic |
2.Suy giảm thính lực ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?
Nghe kém ảnh hưởng đếnrất nhiều người khắp nơi trên thế giới. Và sự ảnh hưởng này tác động theo nhiều cách khác nhau. Theo thời gian, nghe kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc giao tiếp và các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Vì vậy nếu cứ để tổn thương về thính giác kéo dài mà không điều trị, thì vấn đề không đơn thuần thuộc về tình trạng thể chất, sức khỏe nữa, mà còn trở nên là vấn đề về tâm lý. Nhiều trường hợp mặc cảm tự ti khi bị giảm thính lực, chị T. (42 tuổi, Tam Đảo) cho biết: “Khi mà bản thân không nghe rõ những người xung quanh nói gì và phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần khiến họ trở nên không vui hoặc mất hứng khi nói chuyện với mình vì thế tôi trở nên tự ti ngại giao tiếp. Thậm chí, tôi còn bị dị ứng với từ “điếc” trong một thời gian dài”.
Do đó, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp hợp lý để những người nghe kém được cải thiện chức năng nghe và hòa nhập với cuộc sống.
3.Dịch vụ chăm sóc thính giác chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Với mong muốn đưa người suy giảm thính lực hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng dụng nhiều phương pháp kỹ thuật cao để giúp cải thiện việc giao tiếp ít nhất cho 90% người khiếm thính. Các loại máy hiện đang được sử dụng tại bệnh viện: Máy đo thính lực Harp Basic và máy đo nhĩ lượng Flute Basic được tối ưu nhiều tính năng.
Máy đo thính lực Harp Basic: có khả năng đo chẩn đoán thính lực, đo sàng lọc thính lực nhằm phát hiện khả năng nghe của khách hàng để đưa chẩn đoán và giải pháp can thiệp đồng thời phát hiện sớm và kiểm soát biến chứng của một số bệnh mãn tính: tiểu đường, suy thận, điều trị ung thư, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh lý tim mạch, điều trị lao, kháng sinh…
Máy đo nhĩ lượng Flute Basic: giúp đo nhĩ lượng và phản xạ cơ bàn đạp nhằm dùng để chẩn đoán đánh giá sự toàn vẹn của hệ thống truyền âm tai giữa, áp lực tai giữa, các bệnh lý của tai giữa và chức năng vòi tai. Đồng thời, đánh giá chức năng của chuỗi xương con.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong tỉnh về chuyên ngành Tai - Mũi - Họng. Sau khi thăm khám, khách hàng sẽ được tư vấn để sử dụng một số dịch vụ để hỗ trợ khả năng nghe được tốt hơn.
Biện pháp phổ biến hiện nay giúp khách hàng tăng khả năng nghe là sử dụng máy trợ thính. Trên thị trường, có rất nhiều loại máy trợ thính tuy nhiên để lựa chọn được một loại máy phù hợp với thính lực của khách hàng thì họ cần trải qua quá trình thăm khám và thử những chiếc máy trợ thính để tìm ra được chiếc phù hợp nhất với bản thân.
Khách hàng được đeo thử máy trợ thính sau khi thăm khám và nghe tư vấn của chuyên gia |
Là một khách hàng sử dụng máy trợ thính, chị T (42 tuổi, Tam Đảo) chia sẻ: Sau hai mươi mấy năm bị điếc, lần đầu tiên tôi nghe rõ âm thanh là khi các bác sĩ đeo thử cho tôi chiếc máy trợ thính. Khi đó, tôi đã thốt lên rằng: “Tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc, có thật như vậy không?”. Mọi người đã cười ồ lên và nói rằng: “ Đúng rồi, đó tiếng trẻ khóc ở bên ngoài phòng khám…” Cảm giác lúc đó của tôi thật sự rất hạnh phúc.”
Do vậy, để chăm sóc đôi tai của mình, chúng tôi khuyến cáo người dân nên kiểm tra thính lực định kỳ để phát hiện sớm những biểu hiện của chứng suy giảm thính lực để từ đó có biện pháp can thiệp hiệu quả.