Bởi vậy, để nâng cao năng lực về xử trí sốc phản vệ, giúp hạn chế tai biến, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ, ngày 21/9/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lớp tập huấn “ Cập nhật kiến thức Cấp cứu Sốc phản vệ” cho hơn 200 bác sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh , Bệnh viện Đa khoa Khu vực, các Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Bs CKII Vũ Đức Minh – Trưởng phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhấn mạnh: Sốc phản vệ là tai nạn, rủi ro, biến cố không mong muốn trong quá trình dùng thuốc điều trị (tiêm, truyền, bôi…), trong sinh hoạt … Hiện nay, xã hội ngày càng quan tâm do tần suất xuất hiện sốc phản vệ có tỷ lệ ngày càng tăng. Vì vậy, thông qua buổi tập huấn, hy vọng các học viên có thể nhận biết sớm các dấu hiệu của sốc phản vệ, biết xử lý cấp cứu ban đầu một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả bằng tiêm thuốc adrenalin, cách theo dõi bệnh nhân sau sốc, các phương pháp xác định nguyên nhân và quản lý tư vấn cho bệnh nhân và gia đình cách phòng tránh.
Giảng viên của lớp tập huấn là những cán bộ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh gồm: Ths.Bs Tô Quang Hưng - Trưởng khoa HSTC-CĐ, Ths.Bs Nguyễn Văn Huy – Trưởng khoa Cấp cứu. Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các giảng viên đã tiếp tục phổ biến phác đồ chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ theo hướng dẫn tại thông tư 08/1999/TT-BYT ngày 04/5/1999 của Bộ Y tế. Đồng thời, các học viên được cập nhật kiến thức, khuyến cáo từ các Hội dị ứng Thế giới, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam về cơ chế, định nghĩa sốc phản vệ, các nguyên nhân thường gặp như: thức ăn, các loại thuốc, nọc độc côn trùng…, tiêu chuẩn chẩn đoán, xử trí và dự phòng phản vệ. Các triệu chứng cần lưu ý của phản ứng phản vệ ở trẻ em cần lưu ý là nhịp tim nhanh, da đỏ, mày đay/ngứa/co thắt phế quản. Ngoài ra còn có các khuyến cáo các test dị ứng theo quy định, cách sử dựng bút tiêm adrenanlin tự động với bệnh nhân ở xa bệnh viện, sử dụng thuốc adrenalin với bệnh nhân có phản ứng phản vệ.
Với cách giảng dạy tích cực, ngoài việc cung cấp kiến thức các giảng viên cũng đã đưa ra từng ca bệnh lâm sàng để học viên thảo luận sâu, giúp học viên hiểu rõ và thuần thục hơn khi tiếp cận xử trí các trường hợp tương tự . Rất nhiều câu hỏi đã được giải đáp và chia sẻ trong lớp học. Kết quả sau tập huấn cho thấy kiến thức của học viên đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt mục tiêu lớp tập huấn đề ra. Đây là lớp tập huấn vô cùng bổ ích giúp cập nhật, nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các cán bộ y tế trong chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng sốc phản vệ
Tác giả: Thu Thủy