Theo lời kể của người nhà, cách thời gian vào viện khoảng 30 phút bệnh nhân tự dùng dao đâm vào ngực trái, chảy nhiều máu, người tím tái khó thở và được đưa vào viện. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng mất máu nhiều, người tím tái, không mạch, không huyết áp, niêm mạc nhợt nhạt… đã được kíp trực hội chẩn liên khoa chẩn đoán sốc tim, mất máu, vết thương thấu tim. Người bệnh lập tức được đưa đến khoa Gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Vết thương tim là một loại thương tổn hiếm nhưng không phải ít gặp và được đánh giá là một cấp cứu nghiêm trọng, nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời thì rất dễ tử vong. Vết thương ở bệnh nhân Y. được xác định do vật nhọn (mũi dao) đâm thủng nên gây ra thương tổn cả các tổ chức bên trong quả tim như dây chằng van, vách liên nhĩ hay liên thất…
Đối với vết thương tổn thương rãnh liên thất như trường hợp bệnh nhân Y. trong cấp cứu cần nhất là mở ngực, khâu vết thương tim cầm máu nhằm cứu sống bệnh nhân trước. Các tổn thương tim khác sẽ tiếp tục xử lý ở thì hai. Do vết thương chạy dọc theo rãnh nhĩ thất trái đến sát rãnh liên thất gần động mạch liên thất trước nên việc xử trí vết khâu rất khó khăn có thể xảy ra ba nguy cơ dẫn đến ngừng tim khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức:
- Khâu vào bó thần kinh dẫn truyền nhĩ thất (bó Hiss);
- Khâu kín lỗ van (nhĩ thất trái);
- Tổn thương (tắc) động mạch liên thất trước.
Vết thương của bệnh nhân sau khi được phẫu thuật khâu vết thương
Trước ba nguy cơ trên, các bác sĩ đã chọn giải pháp: khâu mũi chữ “U” từ xa, luồn chỉ khâu đi dưới động mạch liên thất trước, các mũi khâu theo hướng song song với van nhĩ thất trái. Do tính chất phức tạp của vết thương nên ca phẫu thuật khâu vết thương tim kéo dài khoảng 2.5 giờ (từ 10h30 đến 1h).
Được biết, tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật khá ổn định: Huyết áp: 110-120/80 mmHg; Nhịp tim 90 – 100lần/phút; bệnh nhân không có dấu hiệu tổn thương mạch vành, chuyển đạo tim trong giới hạn bình thường.
Bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ chỉ định siêu âm tim để phát hiện những tổn thương khác. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị tổn thương vách liên thất. Tổn thương này cần được can thiệp tim mạch qua nội soi buồng tim nên bệnh nhân được chuyển tuyến đến bệnh viện Việt Đức để tiếp tục điều trị.
Nhận định về ca phẫu thuật, bác sĩ Lê Văn Tịnh – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật cho biết: Nhiều trường hợp phẫu thuật mở ngực khâu vết thương ở tim được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào vết thương lớn (dài 2.5 cm), nghiêm trọng và ở vị trí phức tạp như trường hợp bệnh nhân Y. Vì thế, việc cấp cứu thành công cho bệnh nhân là một sự nỗ lực và cố gắng hết sức của tập thể bác sĩ trong kíp phẫu thuật.
Có thể nói thành công của ca phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương thấu tim đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định trình độ chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tác giả: Thu Thủy