Cố vấn chuyên môn: Bs. Đỗ Đình Lượng ( Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc)
Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2015 tiêu thụ khoảng 3,7 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu. Mức tiêu thụ đứng thứ 5/10 nước tiêu thụ rượu bia hàng đầu châu Á. Uống rượu bia số lượng nhiều và thường xuyên là nguyên nhân gây ra thay đổi về hành vi tính cách gây mất trật tự xã hội.
Gần đây tình trạng ngộ độc rượu đặc biệt là ngộ độc methanol liên tục được các phương tiện truyền thông phản ánh đã có những bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol. Việc 8 nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu methanol xảy ra tại một đám ma ở Phong Thổ - Lai Châu vào ngày 20/02/2017 hay vụ ngộ độc rượu của 7 sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương ngày 10/03/2017. Trong đó, cả 7 nạn nhân đều phải lọc máu. Theo thống kê của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tính từ đầu năm 2017 đã có 34 trường hợp ngộ độc methanol trong đó có 9 trường hợp tử vong. Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận năm 2016 có khoảng 20 ca nghi ngờ ngộ độc methanol. Từ đầu năm 2017 có khoảng 4 ca theo dõi ngộ độc methanol. Tất cả những trường hợp ngộ độc đều sử dụng rượu trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc hoặc không được kiểm định chất lượng. Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo cho những người hay uống rượu không rõ nguồn gốc. Vậy methanol là gì? Nó để lại những hậu quả nặng nề như thế nào?
|
Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực & chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) đang theo dõi bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc Methanol (Ảnh minh họa)
|
Methanol là rượu đơn giản nhất với công thức CH3-OH không màu, dễ cháy khó phân biệt với rượu uống được là ethanol. Với sản xuất thủ công trong dân gian thì không có công nghệ tách các sản phẩm có hại trong quá trình nấu như methanol, aldehyde, furfural, thậm chí chạy theo lợi nhuận người ta sẵn sàng mua methanol về pha chế thành rượu. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng thì hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100mg/lít cồn 100 độ.
Triệu chứng ngộ độc của methanol bao gồm biểu hiện về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn; dấu hiện về thần kinh như đau đầu, lơ mơ, co giật thậm chí dẫn tới hôn mê; thị giác nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như đứng trong cơn bão tuyết, methanol có thể gây mù vĩnh viễn; tim mạch có thể gặp tình trạng tăng huyết áp trong giai đoạn đầu, tụt huyết áp, trụy mạch. Liều gây chết của methanol khi uống ước tính từ 30-240ml (20-150g).
Xét nghiệm định lượng nồng độ methanol trong máu giúp khẳng định chẩn đoán, ngoài ra các xét nghiệm như khí máu đánh giá tình trạng toan chuyển hóa, soi đáy mắt tìm dấu hiệu phù gai thị, các xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng gan thận, đường máu.
Điều trị đối với ngộ độc rượu methanol gồm có điều trị đặc hiệu và các điều trị hỗ trợ. Điều trị đặc hiệu bằng fomepizole hay ethanol do cơ chế tranh chấp với enzyme chuyển hóa của methanol. Ngoài ra các biện pháp hỗ trợ khác: Hạn chế hấp thu nếu bệnh nhân tới sớm bằng than hoạt, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, điện giải. Bổ xung acid folic là chất cần thiết để chuyển hóa acid formic thành CO2 và nước, cắt cơn co giật, lọc máu giúp nhanh chóng đào thải methanol và acid formic đồng thời điều chỉnh toan kiềm máu.
Để phòng tránh ngộ độc methanol khi dùng rượu phải có nguồn gốc rõ ràng, có đăng ký. Và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn để quản lý vấn đề về sản xuất và lưu thông rượu bia. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của uống rượu bia. Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế uống rượu bia.
Tác giả: Thành Tuyên