Ô nhiễm không khí cùng với biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề hết sức cấp bách và đáng báo động trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển kinh tế làm cho tình hình ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh và trở thành mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Theo bảng xếp hạng các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới ngày 31/10/2019 (Airvisual), tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội đứng thứ 16 còn TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 53. Thời gian có nồng độ bụi mịn, siêu mịn cao thường là vào ban đêm và sáng sớm vì đó là các khoảng thời gian gió lặng cùng với nhiệt độ giảm hơn so với ban ngày càng làm cho không khí ô nhiễm không thể khuếch tán, duy trì ở mức cao.
Gia tăng mức độ ô nhiễm kết hợp với sương mù quang hóa có thể ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp bởi hệ hô hấp và chất lượng không khí có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí như CO, SO2, NO2. Các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí. Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn. Bên cạnh đó còn có các hạt bụi mịn (nhỏ hơn 1/30 đường kính sợi tóc) thì mắt thường không thể nhìn thấy hay cảm nhận lại là tác nhân gây ra các vấn đề bệnh đường hô hấp nghiêm trọng như:
Viêm phế quản: Đây là tình trạng viêm hoặc sưng của ống phế quản, đường dẫn khí giữa miệng, mũi và phổi. Tiếp xúc bụi mịn và khói từ môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Theo nhiều nghiên cứu, nitơ dioxide ngoài trời là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phế quản mạn tính ở nữ giới
Hen suyễn: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen suyễn là căn bệnh mạn tính do viêm và hẹp đường thở, có thể gây ra cảm giác tức ngực, khó thở, thở khò khè và ho. Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và cũng là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh này ngày càng tăng. Khí ozone, chất gây ô nhiễm ngoài trời phổ biến, có thể là tác nhân gây hen suyễn và kích thích phổi hoặc đường thở.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tiếp xúc lâu với các chất gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng là tác nhân làm trầm trọng bệnh COPD. Khi tiếp xúc các hạt ô nhiễm, bệnh nhân mắc COPD dễ bị phát bệnh, cấp cứu, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ở các nước kém phát triển, COPD chủ yếu xảy ra do sử dụng than để nấu ăn, sưởi ấm…
Để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, mọi người nên hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Khẩu trang bằng vải cotton sẽ giúp ngăn chặn khoảng 30% các hạt bụi trong không khí. Các loại mặt nạ chuyên dụng dành cho các phẫu thuật viên sẽ ngăn chặn được khoảng 80% bụi. Bên cạnh đó, trong gia đình cần tránh khói từ bếp than, bếp củi, từ người hút thuốc lá, thuốc lào trong phòng kín, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên.
Với những trường hợp có dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao liên tục, khó thở, ho kéo dài, ho ra máu… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Hoặc những người có dấu hiệu mắc bệnh lý đường hô hấp trên những người mắc bệnh nền cũng nên đến cơ sở y tế để tránh trường hợp diễn biến nặng.
Tác giả: Trần Sang