Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đã tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong dân số Việt Nam được ước tính khoảng 7,1%, tương đương với hơn 5 triệu người trưởng thành đang sống chung với căn bệnh này.
* Cố vấn chuyên môn: BSCKI. Nguyễn Thị Lệ Thu - Phó Trưởng khoa Nội tiết
I. Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là tình trạng tăng đường máu mãn tính do rối loạn chuyển hoá carbonhydrate, lipid, protein. Đây là hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin hoặc hoạt động kém hiệu quả của insulin hoặc phối hợp cả hai.
II. Phân loại đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường được phân loại thành 2 thể chính, bao gồm:
- Đái tháo đường type 1: còn được gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, thường xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi. Đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công và phá hủy tế bào beta của tuyến tụy, làm cơ thể không sản xuất đủ insulin. Người bệnh phải dựa vào việc tiêm insulin từ bên ngoài để kiểm soát lượng đường trong máu.
- Đái tháo đường type 2: đây là dạng phổ biến nhất, chiếm 90-95% các ca bệnh, thường xuất hiện ở người lớn tuổi nhưng ngày càng gặp ở người trẻ. Bệnh này do kháng insulin hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, có thể kiểm soát bằng thay đổi lối sống và dùng thuốc.
Các loại đái tháo đường khác:
Đái tháo đường thai kỳ là loại bệnh xuất hiện trong thời kỳ mang thai, thường biến mất sau khi sinh, nhưng phụ nữ mắc bệnh này có nguy cơ cao phát triển đái tháo đường type 2 sau này. Ngoài ra còn các loại bệnh đái tháo đường do các nguyên nhân khác, như do khiếm khuyết di truyền trong chức năng của các tế bào beta hoặc trong hành động của insulin, các bệnh của tụy ngoại tiết, và bệnh đái tháo đường do thuốc hoặc hóa chất.
III. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
- Với đái tháo đường type 1: Nguyên nhân chính là do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy, dẫn đến thiếu hụt hoặc không có insulin. Khoảng 95% các trường hợp là do cơ chế tự miễn (type 1A), khi hệ miễn dịch tấn công nhầm tế bào sản xuất insulin. Khoảng 5% còn lại (type 1B) không rõ nguyên nhân. Nguy cơ mắc bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường, bao gồm cả phơi nhiễm với một số loại virus.
- Với đái tháo đường type 2: Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình có người mắc bệnh, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực, thừa cân béo phì, rối loạn dung nạp đường, rối loạn đường huyết đói, và hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ.
- Với tiểu đường thai kỳ: Khi mang thai, nhau thai sản sinh các kích thích cho tế bào tăng khả năng kháng insulin. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để đối phó, lượng đường trong máu sẽ tăng, dẫn đến tiểu đường thai kỳ. Nguy cơ cao hơn ở phụ nữ thừa cân, có tiền sử gia đình mắc tiểu đường hoặc rối loạn dung nạp glucose.
IV. Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường thường phát triển từ từ, đặc biệt là trong trường hợp của đái tháo đường type 2. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Khát nước nhiều và tiểu nhiều
- Mệt mỏi nhiều
- Đói, thèm ăn ngọt
- Giảm cân không rõ nguyên nhân (dù ăn nhiều)
- Nhìn mờ
- Nhiễm trùng thường xuyên, chậm lành các vết thương hoặc vết loét
- Ngứa ran, đau hoặc tê ở tay, chân
V. Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Đái tháo đường, nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Biến chứng tim mạch: Như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Bệnh thận: Bệnh thận do đái tháo đường (diabetic nephropathy) có thể dẫn đến suy thận.
- Hô hấp: Người bệnh tiểu đường dễ bị viêm phổ và viêm phế quản do bị bội nhiễm vi khuẩn.
- Tổn thương thần kinh: Gây ra tê bì, đau, hoặc mất cảm giác, thường ở tay chân.
- Tiêu hóa: Bị rối loạn chức năng gan, viêm loét dạ dày, tiêu chảy.
- Da: Người bệnh có thể thấy ngứa ngoài da, hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay và bàn chân ánh vàng, xuất hiện u màu vàng gây ngứa ở bàn chân, bàn tay, viêm mủ da…
- Bệnh về mắt: Như bệnh võng mạc do đái tháo đường (diabetic retinopathy), có thể dẫn đến mù lòa.
- Chậm lành vết thương: Tăng nguy cơ loét chân và phải cắt cụt chi.
Với tiểu đường thai kỳ, sản phụ có thể gặp một số biến chứng như:
- Sản phụ có thể bị tiền sản giật với biểu hiện tăng huyết áp, dư protein trong nước tiểu, sưng ở chân. Thêm vào đó, sản phụ có nguy cơ tái phát bệnh ở lần mang thai kế tiếp, và tiến triển thành bệnh tiểu đường (phổ biến là tiểu đường type 2) khi về già.
- Thai nhi có nguy cơ phát triển nhanh hơn so với độ tuổi, đồng thời có nguy cơ bị tiểu đường type 2 về sau. Nếu sản phụ không được điều trị đúng cách và hiệu quả trong suốt thời gian mang thai, thai nhi có nguy cơ tử vong trước hoặc sau sinh.
VI. Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán đái tháo đường chủ yếu dựa vào các xét nghiệm đường huyết. Các xét nghiệm thông thường chẩn đoán đái tháo đường dựa vào những tiêu chuẩn sau:
- Glucose huyết tương lúc đói 2 lần bất kỳ ≥ 7,0 mmol/L (126 mg/dL)
- Glucose huyết tương 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose (OGTT) ≥ 11,1 mmol/L (200 mg/dL)
- Glucose huyết tương bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L (200 mg/dL) kèm theo các triệu chứng lâm sàng của đái tháo đường.
- HbA1c ≥ 6,5%.
VII. Phương pháp điều trị
Mục tiêu của điều trị đái tháo đường là duy trì mức đường huyết trong giới hạn bình thường hoặc gần bình thường nhất có thể. Các phương pháp điều trị bao gồm:
1. Điều chỉnh lối sống:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Tập trung vào chế độ ăn giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa và đường đơn giản.
- Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình mỗi tuần.
- Kiểm soát cân nặng: Giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng giúp cải thiện kiểm soát đường huyết.
2. Dùng thuốc:
- Insulin: Bắt buộc cho người bệnh đái tháo đường type 1 và có thể được sử dụng trong một số trường hợp đái tháo đường type 2.
- Thuốc uống: Như metformin, sulfonylureas, hoặc các chất ức chế SGLT-2, giúp tăng cường sản xuất insulin hoặc giảm hấp thụ glucose từ ruột.
3. Theo dõi đường huyết: Người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên để đảm bảo mức đường huyết trong giới hạn an toàn.
Cần lưu ý, bệnh đái tháo đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng thời gian, do đó người bệnh cần được thăm khám định kỳ đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả.
VIII. Phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Không thể phòng ngừa được bệnh đái tháo đường type 1, nhưng người bệnh hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tiến triển thành type 2 thông qua việc thay đổi lối sống, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, vận động đều đặn, và duy trì cân nặng hợp lý. Việc phát hiện sớm và điều trị đái tháo đường thai kỳ cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2 sau này.
Bệnh đái tháo đường là một căn bệnh phức tạp và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được quản lý tốt. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị hiện đại và lối sống lành mạnh, người bệnh có thể kiểm soát được bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai thăm khám sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại type tiểu đường, đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.
Để đặt lịch khám sàng lọc tiểu đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc xin vui lòng liên hệ theo những cách sau:
Gọi điện đến số tổng đài (miễn phí) 1800.96.96.26
(Thời gian đăng ký từ 7:00 đến 21:00 hàng ngày).
Hoặc đăng ký online tại http://khambenh.dakhoavinhphuc.com/
Tải và đặt lịch khám tự động trên App BVĐK Vĩnh Phúc để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng!
Tác giả: Hiền Mai