1. Sốt cao, rét run kéo dài
Sốt sau sinh có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung, vết mổ, vết rạch tầng sinh môn hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu sốt trên 38°C kéo dài hơn 24 giờ, kèm theo ớn lạnh, đau bụng dưới hoặc dịch âm đạo có mùi hôi, sản phụ cần đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
2. Chảy máu âm đạo nhiều, kéo dài
Mặc dù hiện tượng ra máu sau sinh là bình thường, nhưng nếu sản phụ bị chảy máu ồ ạt, máu đỏ tươi, không có dấu hiệu giảm sau vài ngày, kèm choáng váng, chóng mặt, da nhợt nhạt thì cần cấp cứu ngay. Đây có thể là dấu hiệu của băng huyết sau sinh, một biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
3. Vết mổ, vết khâu sưng đỏ, chảy dịch
Dù sinh thường hay sinh mổ, việc chăm sóc vết thương là vô cùng quan trọng. Nếu vùng mổ hoặc tầng sinh môn có hiện tượng sưng tấy, đỏ rát, chảy dịch mủ hoặc đau tăng dần, đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
4. Đau đầu dữ dội, mờ mắt, huyết áp tăng cao
Đây là những dấu hiệu có thể liên quan đến tiền sản giật – sản giật sau sinh, một biến chứng nguy hiểm dù đã qua thời kỳ thai nghén. Sản phụ có thể xuất hiện co giật, đau ngực, khó thở… cần được xử trí khẩn cấp.
5. Sản dịch có màu, mùi bất thường
Thông thường, sản dịch sẽ có màu đỏ trong vài ngày đầu, sau đó nhạt dần và biến mất sau khoảng 4–6 tuần. Nếu sản dịch ra nhiều bất thường, có màu xanh, vàng, nâu sẫm hoặc mùi hôi tanh, đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tử cung hoặc sót rau.
6. Rối loạn tiểu tiện, tiêu hóa
Tiểu buốt, tiểu khó, tiểu rắt hoặc đại tiện ra máu có thể là biểu hiện của tổn thương đường tiết niệu hoặc hậu môn – trực tràng sau sinh. Những triệu chứng này cần được thăm khám để tránh diễn tiến nặng hơn.
7. Trầm cảm sau sinh
Ngoài những biểu hiện thể chất, sản phụ cũng có thể gặp những bất thường về mặt tâm lý. Trầm cảm sau sinh thường biểu hiện qua trạng thái buồn bã kéo dài, khóc không rõ lý do, mất ngủ, ăn uống kém, mệt mỏi, thậm chí có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé. Việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
8. Căng tức vú, sưng – nóng – đỏ – đau
Sau sinh, việc tuyến sữa hoạt động mạnh khiến ngực mẹ thường xuyên căng tức. Tuy nhiên, nếu vú có dấu hiệu sưng, đỏ, đau rát, kèm theo cảm giác nóng hoặc sốt, có thể mẹ đang bị viêm tuyến vú hoặc áp-xe vú. Đây là tình trạng nhiễm trùng thường gặp trong giai đoạn cho con bú, nếu không điều trị sớm có thể gây biến chứng nặng, ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ và sức khỏe toàn thân. Khi có các biểu hiện trên, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
Lời khuyên từ ThS. BS Vũ Hoàng Lan, khoa Phụ sản –Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc
“Giai đoạn hậu sản không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà còn là lúc cơ thể người mẹ cần được theo dõi sát sao. Mỗi biểu hiện bất thường, dù nhỏ, cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, sản phụ và người nhà nên chủ động theo dõi sức khỏe sau sinh, đừng chủ quan với những dấu hiệu nhỏ, hãy lắng nghe cơ thể và thăm khám kịp thời”
Thăm khám hậu sản tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng đồng hành cùng sản phụ sau sinh, với đội ngũ bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị hiện đại và dịch vụ chăm sóc hậu sản chu đáo. Quý khách vui lòng liên hệ:
📞 Hotline: 1800969626
📍 Địa chỉ: Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc – Số 1 Tôn Thất Tùng, phường Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ
Tác giả: Trần Sang
Hiện có 0 nội dung bình luận