Cố vấn chuyên môn: BSCKI. Khổng Văn Tế – Khoa Cấp cứu
Đuối nước và những con số cảnh báo
Mỗi năm, tại Việt Nam, có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Bình quân mỗi ngày, có khoảng 5 gia đình vĩnh viễn mất đi một đứa trẻ, phần lớn là những tai nạn có thể phòng tránh hoặc can thiệp kịp thời nếu người xung quanh biết cách sơ cứu.
Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Y tế, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm trẻ 5 - 14 tuổi, cao gấp 10 lần tai nạn giao thông. Các vụ việc thường xảy ra tại ao hồ gần nhà, kênh rạch không rào chắn, hoặc trong lúc trẻ tự ý tắm sông mà không có người lớn giám sát.
Song điều khiến các bác sĩ cấp cứu trăn trở không chỉ là số lượng, mà còn là chất lượng phản ứng tại hiện trường. Rất nhiều nạn nhân được đưa lên bờ khi vẫn còn dấu hiệu sinh tồn nhưng đã không qua khỏi chỉ vì sơ cứu sai cách hoặc chậm trễ.
Thời gian vàng chỉ tính bằng phút
Theo BSCKI. Khổng Văn Tế (Khoa Cấp cứu – BVĐK Vĩnh Phúc): “Trong cấp cứu đuối nước, 3 - 5 phút đầu tiên sau khi nạn nhân ngừng thở là thời gian vàng. Nếu được ép tim và hà hơi đúng cách ngay tại hiện trường, cơ hội sống là rất cao, thậm chí không để lại di chứng thần kinh.”
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tế, thực tế tại các tuyến cấp cứu cho thấy: hơn 80% người dân không biết cách sơ cứu hoặc ngần ngại vì lo sợ “làm sai”. Thậm chí, nhiều trường hợp còn áp dụng sai lầm phổ biến như xốc nước, dốc ngược, vác chạy, gây thêm tổn thương và mất thời gian quý giá.
“Người dân thường lo mình không phải bác sĩ nên không dám hành động. Nhưng tôi luôn nói với các gia đình: Không hành động mới là nguy hiểm nhất. Chỉ cần nhớ vài bước đơn giản, ai cũng có thể cứu người”, bác sĩ Tế khẳng định.
Những điều cần làm ngay khi gặp người đuối nước
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và kinh nghiệm thực tế tại tuyến cấp cứu, quy trình sơ cấp cứu người đuối nước đúng cách như sau:
1. Đảm bảo an toàn cho bản thân: không lao xuống nước nếu không biết bơi hoặc không có thiết bị hỗ trợ.
2. Gọi ngay cấp cứu 115 và tìm người hỗ trợ.
3. Đưa nạn nhân lên bờ, đặt nằm nghiêng an toàn nếu còn thở.
4. Nếu ngừng thở/ngừng tim: ép tim ngoài lồng ngực 30 lần + hà hơi 2 lần, thực hiện liên tục đến khi nạn nhân thở lại hoặc có nhân viên y tế tiếp nhận.
5. Tuyệt đối không xốc nước, không dốc ngược nạn nhân.
6. Đối với trẻ nhỏ, thao tác phải nhẹ nhàng hơn nhưng nguyên tắc vẫn giữ nguyên. Nếu được thực hiện sớm, hồi sinh tim phổi (CPR) có thể giúp nạn nhân hồi tỉnh mà không để lại tổn thương.
Một nạn nhân đuối nước được cứu sống từ đôi tay học trò
Nhắc lại một kỷ niệm nghề nghiệp, bác sĩ Tế kể về ca cấp cứu đặc biệt khiến anh vô cùng xúc động:
“Một nam sinh lớp 8 bị đuối nước khi tắm hồ. Bạn học cùng là một em mới 14 tuổi đã học sơ cứu trong buổi ngoại khóa ở trường. Khi phát hiện bạn bị đuối nước em đã nhanh chóng tìm cách đưa bạn lên bờ sau đó tiến hành ép tim và hà hơi liên tục cho đến khi nhân viên y tế tới. Cháu bé được cứu sống và không để lại di chứng nào. Nếu không có phản xạ ấy, có thể đã có thêm một trường hợp tử vong thương tâm.”
Câu chuyện cho thấy: trẻ em không chỉ là đối tượng cần bảo vệ mà nếu được hướng dẫn đúng, các em còn có thể trở thành người cứu sống bạn bè, thậm chí người thân.
Phòng ngừa từ cộng đồng: trách nhiệm không của riêng ai
Theo BSCKI. Khổng Văn Tế, phòng ngừa đuối nước cần được bắt đầu từ ba “mắt xích” quan trọng: gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương:
✅Gia đình: Giám sát trẻ, hướng dẫn kỹ năng an toàn, không để trẻ chơi gần nước một mình.
✅Nhà trường: Đưa nội dung dạy bơi, sơ cứu cơ bản vào hoạt động kỹ năng sống.
✅Địa phương: Rào chắn ao hồ, tổ chức lớp tập huấn CPR, phát tài liệu hướng dẫn dễ hiểu cho cộng đồng.
“Chúng ta không thể đợi đến khi tai nạn xảy ra mới đi học cách ứng phó. Phòng ngừa chủ động – chuẩn bị trước – giáo dục từ sớm là con đường duy nhất để bảo vệ trẻ em khỏi những cái chết đáng tiếc”, bác sĩ Tế khuyến cáo.
Thông điệp cuối cùng: “Hãy là người dám hành động”
Có thể bạn không là nhân viên y tế. Nhưng khi ai đó ngừng thở trước mặt bạn - thì chính bạn là người duy nhất có thể cứu họ kịp thời.
Chỉ cần vài phút học cách ép tim, hà hơi đúng cách, bạn có thể giữ lại một sự sống, một gia đình, một tương lai.
Tham gia các buổi tập huấn sơ cấp cứu tại địa phương hoặc trường học gần bạn.
T/g: Thành Tuyên