Vào thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi do sức khỏe suy yếu, hệ miễn dịch kém.
Các bệnh về phổi là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, tuổi tác, các thói quen hút thuốc lá, cùng sự trỗi dậy của các virus gây bệnh đường hô hấp là những nguyên nhân chính gây các bệnh về phổi.
Viêm phổi là bệnh thuộc hệ hô hấp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hay một vài vùng. Nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi.
Viêm phổi là bệnh thuộc hệ hô hấp. Khi bị viêm phổi, mô của một hoặc cả hai sẽ phổi sưng (viêm). Ở phía cuối đường thở là những cụm túi khí nhỏ, hiện tượng phổi sưng lên sẽ làm tăng tiết dịch và để lại các tế bào chết, khiến các cụm túi khí nhỏ bị tắt nghẽn.
Hình ảnh phổi bị tổn thương của người bệnh
1.Triệu chứng của bệnh viêm phổ ở người cao tuổi:
1.1 Các triệu chứng phổ biến:
- Ho thường kèm theo cảm giác khan cổ họng/ xuất hiện đờm có màu vàng, xanh hoặc có máu.
- Khó thở.
- Tim đập loạn nhịp.
- Sốt, cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
- Thường xuyên đổ mồ hôi và run rẩy.
- Ăn không cảm thấy ngon miệng.
- Đau ngực khi bình thường và trở nặng hơn khi thở hoặc ho.
1.2 Các triệu chứng ít phổ biến hơn:
- Ho ra máu.
- Nhức đầu.
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Thở khò khè.
- Đau khớp và cơ.
- Cảm thấy choáng và mất phương hướng, đặc biệt là ở người cao tuổi.
2. Nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi thường được chia làm 2 loại là viêm phổi mắc phải tại cộng đồng và viêm phổi mắc phải tại bệnh viện.
2.1 Đối với viêm phổi mắc phải tại cộng đồng:
Nguyên nhân viêm phổi có rất nhiều: do vi sinh vật (vi khuẩn, virut, vi nấm), do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít vận động, nằm lâu do liệt…
Thủ phạm chính gây nên viêm phổi ở người cao tuổi là các vi khuẩn, vi rút sẵn có ở mũi, họng. Lợi dụng lúc cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh. Điển hình là vi khuẩn phế cầu và một số vi rút đường hô hấp, vi nấm.
Ngoài ra, nhiễm các loại virus như virus cúm thông thường, virus gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp (SARS), virus cúm gia cầm, Corona virus cũng đều có thể là nguyên nhân gây viêm phổi nặng.
2.2 Đối với viêm phổi mắc phải tại bệnh viện:
Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện là bệnh lý viêm phổi xuất hiện sau nhập viện 48 giờ bao gồm cả các trường hợp viêm phổi trên bệnh nhân thở máy. Trong bệnh viện, sau nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn máu thì phổi là cơ quan dễ bị nhiễm khuẩn nhất. Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện khác nhau giữa từng bệnh viện, thậm chí là từng khoa trong cùng một bệnh viện. Hình ảnh phổi bình thường và phổi bị viêm.
2. Vì sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?
Người cao tuổi có rất nhiều các yếu tố đặc thù làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi như:
Hệ thống miễn dịch yếu: Sự lão hóa của hệ thống miễn dịch làm cho người cao tuổi không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Người cao tuổi sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém...làm cho sức khỏe suy giảm dẫn đến viêm phổi.
Mắc nhiều bệnh lý mạn tính: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, COPD, hoặc bị tai biến nằm lâu một chỗ...làm tăng nguy cơ bị viêm phổi.
Sự tác động của các yếu tố có hại: Nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia, khói bụi ô nhiễm môi trường... là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi.
Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.
Người bệnh có thể uống mật ong pha loãng với nước chanh ấm để cải thiện triệu chứng bệnh
3. Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tại nhà hiệu quả
Cần phải tăng cường lưu thông đường thở, bù nước cho người bệnh bằng cách thường xuyên nhắc nhở uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để làm loãng đờm và dễ long đờm, uống nhiều nước còn bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh. Có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc sinh tố trái cây cho người bệnh.
Điều quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân viêm phổi là cần phải tăng cường lưu thông đường thở cho bệnh nhân. Sự tiết dịch ở đường thở làm cản trở trao đổi, làm tăng nhiễm bẩn đường thở, làm chậm quá trình khỏi bệnh.
Chú ý làm ẩm và nóng không khí hít vào cũng làm loãng đờm và dễ long đờm. Bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi rồi thở ra qua miệng, môi khép kín.
Khi ho, người bệnh nên ho ở tư thế ngồi và hơi cúi về phía trước. Đầu gối và hông ở tư thế gấp để cơ bụng mềm và ít căng cơ bụng khi ho. Hít vào chậm qua mũi thở ra qua môi mím. Tránh quá sức khi ho sẽ gây tổn thương cho phổi.
Nên để bệnh nhân bị viêm phổi nằm nghỉ trên giường bệnh để giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi tư thế thường xuyên. Quan sát và theo dõi thường xuyên thể trạng người bệnh, tình trạng tinh thần. Chú ý tới các dấu hiệu nhiễm khuẩn như: môi khô, lưỡi dơ, mắt trũng, sốt. Khó thở có thể xuất hiện sau vài giờ, tím môi tùy thuộc vào mức độ bệnh, khó thở có thể nặng và diễn tiến xấu.
Để bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều. Cẩn thận với tình trạng bệnh ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn, bởi vì viêm phổi có thể tái phát.
Uống thuốc theo quy định: Luôn uống đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê. Dừng uống thuốc khi chưa hết đơn có thể thể làm vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và bệnh viêm phổi sẽ quay lại.
4. Chủ động phòng viêm phổi - bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi
- Khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu dần làm cho sự đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, việc tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm. Người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vaccine chống viêm phổi.
- Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp phòng tránh viêm phổi
- Người cao tuổi cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, nơi ở phải thông thoáng, không hút thuốc lá, thuốc lào. Trong những ngày trời lạnh mà nhiệt độ giảm thấp cần được giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.
- Hàng ngày, uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng từ 1,5 - 2,0 lít), ăn thêm rau xanh trong các bữa ăn và tăng cường ăn trái cây
- Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xúc người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.
- Giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng. Vận động cơ thể bằng mọi hình thức tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.
- Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ..
- Trường hợp đang điều trị tại bệnh viện về các bệnh phổi, nên tập cách thở sâu, giúp cho phổi làm việc tốt và nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật. Những người mắc bệnh ung thư hay HIV... nên nhờ bác sĩ tư vấn về cách phòng bệnh viêm phổi cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân./.
Tác giả: Thu Thủy