Chụp động mạch vành qua da là thủ thuật cơ bản và sử dụng rất rộng rãi trong các quy trình can thiệp về tim mạch với mục đích đánh giá toàn bộ hệ động mạch vành về mặt hình thái. Kỹ thuật này sử dụng các ống thông vào cơ thể qua động mạch quay hoặc động mạch đùi, ống thông đi theo động mạch chủ tới từng lỗ xuất phát của động mạch vành rồi bơm thuốc cản quang vào lòng mạch. Dưới sự hỗ trợ của máy móc, sẽ thấy được hình ảnh chi tiết của từng nhánh động mạch vành. Dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối,...
Theo Ths. Bs Cao Việt Cường (Phó trưởng khoa Nội tim mạch - Phụ trách đơn nguyên Can thiệp tim mạch): Chụp động mạch vành qua da cho kết quả chẩn đoán bệnh lý động mạch vành chính xác tới 100% với những bệnh nhân có nghi ngờ cao sau thăm khám lâm sàng. Chính vì vậy, thủ thuật này được coi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá bệnh lý mạch vành và giúp bác sĩ có thể đưa ra quyết định về phương pháp điều trị phù hợp.Trong trường hợp cần thiết phải đặt stent mạch vành, bác sĩ có thể tiến hành đặt luôn trong lần làm chụp mạch. Qua đó, người bệnh sẽ tránh được nguy cơ nhồi máu cơ tim - một bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm.
|
Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thực hiện kỹ thuật chụp động mạch vành qua da và theo dõi hình ảnh trái tim người bệnh trên màn hình vô tuyến |
Hướng tới việc đưa Khoa Tim mạch trở thành một trong những chuyên khoa mũi nhọn trong chiến lược phát triển thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện thành công bước đầu kỹ thuật “chụp động mạch vành qua da” bằng máy chụp chẩn đoán và can thiệp tim mạch thế hệ mới Allura Centron của Philips.
Ngày 11/5/2017, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, kíp bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển giao kỹ thuật và thực hiện thành công 5 ca chụp động mạch vành chọn lọc qua da. Trong đó, người bệnh nhiều tuổi nhất là 86 tuổi, người bệnh ít tuổi nhất là 55 tuổi. Kết quả chụp động mạch vành qua da cho thấy, có 3 trường hợp bệnh lý động mạch vành mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần uống thuốc và 2 trường hợp hẹp động mạch vành mức độ nặng cần phải can thiệp đặt stent động mạch vành.
Quá trình chụp động mạch vành cho một người bệnh khoảng 30 phút. Người bệnh được gây tê tại chỗ nên tỉnh táo.Bác N.T.P (59 tuổi) cho biết: “Cả quá trình can thiệp mạch, tôi tỉnh táo và trò chuyện được với các bác sĩ. Tôi nhìn thấy được từng nhánh động mạch vành của quả tim và được nghe các bác sĩ giải thích về bệnh lý của mình tại chỗ. Sau khi chụp xong, tôi còn được nhận chiếc đĩa CD chụp tim của mình để xem và được các bác sĩ tư vấn về hướng điều trị tiếp theo”.
Sự kiện này góp phần khẳng định trình độ chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch ngày càng được nâng cao. Hơn thế nữa, việc triển khai phòng can thiệp tim mạch ngay tại Bệnh viện sẽ giúp ích được rất nhiều cho người dân tỉnh nhà, đặc biệt là việc kịp thời cứu sống được các ca bệnh nhồi máu cơ tim và một số bệnh lý tim mạch phức tạp, giảm được chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Một số hình ảnh của buổi chụp động mạch vành qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
|
... và theo dõi kết quả trên màn hình vô tuyến |
|
Hình ảnh chi tiết từng nhánh động mạch vành trên màn hình vô tuyến |
|
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh lý tim mạch của người bệnh |
|
Bệnh nhân được nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt sau khi thực hiện thủ thuật |
Tác giả: Thu Thủy