Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1979-1989. Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, hơn 4000 chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Ngay từ sáng sớm 23/7/2016, đoàn cán bộ Bệnh viện đã sửa sang trang phục chỉnh tề, lên đường viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên. Được biết, trong lần về thăm chiến trường xưa này, Hội cựu chiến binh Bệnh viện có ba đồng chí từng tham gia phục vụ chiến tranh biên giới tại Hà Giang. Các đồng chí đã vô cùng xúc động khi ôn lại kỉ niệm xưa trên chiến trường Vị Xuyên – Thanh Thủy. Là một quân y, phục vụ tuyến đầu, đồng chí Quảng (hiện đang công tác tại khoa Giải phẫu bệnh) bồi hồi kể lại: “Ngày ấy, điều kiện chiến tranh vô cùng gian khổ, các chiến sĩ quân đội ta thiếu thốn trăm bề, không có cơm ăn lương thực chủ yếu cấp cho bộ đội là hạt bo bo, mắm tôm và mỡ cừu… khiến đa phần các chiến sĩ đều bị mắc bệnh tê phù, mệt mỏi sức chiến đấu bị ảnh hưởng rất nhiều. Là một bác sĩ quân y, tôi nhìn anh em bị tê phù, thiếu vitamin B1 mà vô cùng đau lòng. Không biết phải giúp đồng đội như thế nào”.
|
Đoàn cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên |
Theo dòng hồi tưởng, đồng chí Nguyễn Văn Miên (hiện đang công tác tại khoa Sản) xúc động kể lại: ”Khi tham gia chiến trường Vị Xuyên năm 1984, tôi vừa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, nhận được lệnh tổng động viên, tôi lên đường nhập ngũ và được phân công làm đội trưởng đội phẫu thuật tuyến hai. Chiến tranh gian khổ, khốc liệt lắm. Tôi còn nhớ, những trận đánh lớn quân ta bị thương nằm la liệt. Lúc ấy, đội phẫu thuật của tôi chỉ có khoảng hơn chục người, chúng tôi không biết phải chữa cho người nào trước vì ai cũng bị thương nặng, ai cũng đau đớn mà trong hoàn cảnh ấy cũng không thể chữa cho ai được, cứ đồng chí nào kêu đau chúng tôi lại tiêm một liều mooc phin giảm đau rồi chờ chuyển về tuyến dưới chữa trị.”
|
Bác sĩ Vũ Duy Tuấn - TP Hành chính Quản trị - Chủ tịch hội cựu chiến binh xúc động cúi đầu trước anh linh của các đồng đội cũ |
Làm nhiệm vụ lái xe kéo pháo cho quân đội Việt Nam trong chiến tranh biên giới, đồng chí Đào Ngọc Chính có rất nhiều kỉ niệm trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy. Trở lại chiến trường xưa, ông bồi hồi kể lại: Mười tám tuổi tôi xung phong lên đường nhập ngũ và được phân vào sư đoàn 314. Sau đó, tôi được đào tạo trở thành lính lái xe kéo pháo lên khắp các mặt trận phía Bắc. Nhưng tôi nhớ nhất là mặt trận Vị Xuyên – Thanh Thủy, đây cũng là nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất. Ngày ấy, tôi lái xe URAL-375/32l/100, xe rất to, đường xá khi ấy còn khó khăn lắm. Đường nhỏ hẹp, lại vô cùng sóc nên đi lại vất vả vô cùng.
|
Đoàn cán bộ Bệnh viện thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ đồn biên phòng Thanh Thủy - Hà Giang |
Hơn ba mươi năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, vùng đất Vị Xuyên – Thanh Thủy đang ngày càng thay da đổi thịt, có đường bê tông, nhà trẻ, trường học khang trang. Nhưng kí ức về cuộc chiến đấu 10 năm bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) sẽ không bao giờ phai. Đó là một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. “Lịch sử không quên, không thể nào quên và không ai quên được”.
|
Thăm mẹ Hoàng Thị Liền - Mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống tại Linh Hồ - Vị Xuyên, năm nay mẹ đã bước sang tuổi 101 |
Về thăm Vị Xuyên – thăm chiến trường xưa là dịp để cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc được tri ân các anh hùng liệt sĩ. Thay mặt toàn thể cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bác sĩ Lê Hồng Trung đã viết trong sổ lưu niệm: “Trước anh linh của các vị anh hùng liệt sĩ, đoàn cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc hứa sẽ nỗ lực hết mình để học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân xây dựng Tổ quốc ta ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với niềm mong đợi và sự hy sinh của các vị anh hùng cho Tổ quốc hôm nay và mai sau.”
Tác giả: Thành Tuyên