Vì sao phải tầm soát ung thư sớm?
Ung thư ngày nay đang gia tăng trên toàn cầu, nhất là ở những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Ung thư ở giai đoạn muộn điều trị rất khó khăn, khả năng trị khỏi rất thấp, còn ở giai đoạn sớm hoặc rất sớm thì khả năng trị khỏi rất cao. Do đó, song song với phòng ngừa ung thư, chúng ta phải phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm bằng các phương pháp tầm soát ung thư.
Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm, không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh. Ung thư giai đoạn rất sớm hầu hết được chữa khỏi bằng phương pháp đơn giản, ít tốn kém, với rất ít tác dụng phụ và đặc biệt không ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ. Ngoài ra, tầm soát ung thư còn phát hiện được những tổn thương tiền ung thư. Là những tổn thương không phải ung thư nhưng có nhiều khả năng chuyển thành ung thư sau này.
Ý nghĩa của việc tầm soát ung thư sớm
|
Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả căn bệnh quái ác này |
Ở Việt Nam, ung thư được coi là căn bệnh tử thần bởi nó đã cướp đi nhiều sinh mạng. Nguyên nhân chính ở đây là do hầu hết người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn nên việc chữa trị gần như không hiệu quả.
Theo kết quả của công trình nghiên cứu về ung thư cho thấy, phần lớn người bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Trong đó, Ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ cao nhất gần (88%); Ung thư dạ dày là (87%); Ung thư phổi hơn (84%); Ung thư vú (50%) và Ung thư cổ tử cung (54%).
Do vậy, tầm soát ung thư sớm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố cốt lõi để cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh ung thư, là cơ hội vàng giúp người bệnh ung thư thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Các phương pháp tầm soát ung thư
|
Tầm soát ung thư sớm bằng phương pháp xét nghiệm máu |
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hảo (Trưởng khoa Ung bướu – Y học hạt nhân cho biết: Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và ứng dụng vào trong y học, ngày càng có nhiều phương pháp tầm soát ung thư có giá trị phát hiện bệnh cao, ít bỏ sót bệnh như:
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh: X-Quang phổi tầm soát ung thư phổi, Chụp X-Quang vú trong phát hiện sớm ung thư vú,…
Siêu âm: siêu âm gan phát hiện sớm ung thư gan,…
Nội soi đường tiêu hóa trong tầm soát ung thư đại trực tràng,…;
Phương pháp xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư: xét nghiệm AFP trong tầm soát ung thư gan, xét nghiệm PSA tầm soát ung thư tuyến tiền liệt; xét nghiệm CEA trong tầm soát ung thư vú, ung thư phổi; Test PAP tầm soát ung thư cổ tử cung,… Ngoài ra, còn một số phương pháp kỹ thuật cao nhằm chẩn đoán chính xác vị trí và kích thước khối u như MRI, CT scaner, Pet, Spect CT,…
Tất cả mọi người nên được tầm soát vì ung thư có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tầm soát ung thư thường nhằm vào các đối tượng dễ bị; đối tượng nguy cơ cao (trong gia đình có người bị ung thư, thuộc nhóm tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao, những người có tiếp xúc yếu tố nguy cơ cao gây ung thư…); các bệnh ung thư thường gặp – Bác sĩ Hảo chia sẻ thêm.
|
Phương pháp chụp Spect phát hiện chính xác vị trí khối u |
Tần suất tầm soát ung thư như thế nào là hợp lý?
Tầm soát ung thư là cần thiết, vậy chúng ta nên tầm soát ung thư bao lâu một lần là hợp lý? Trên thực tế, tùy vào những trường hợp khác nhau tần suất tầm soát sẽ khác nhau.
Với những người có sức khỏe bình thường nên tiến hành tầm soát 1 lần/1 năm hoặc ít nhất là 1 lần trong vòng 2 năm.
Có những trường hợp việc tầm soát ung thư phải tiến hành thường xuyên hơn khi phát hiện những dấu hiệu sau đây: sụt cân nhanh mà không rõ nguyên nhân; bị ho ra máu, ho dai dẳng rất lâu, đi tiểu ra máu; cảm thấy vướng ở họng, xuất hiện hiện tượng xuất huyết âm đạo kèm chu kỳ kinh nguyệt không đều, thấy có khối cục ở vú,…
Nếu gặp phải những dấu hiệu và triệu chứng này nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và thực hiện tầm soát ung thư sớm ngay, đồng thời duy trì việc này ít nhất 2 lần/năm.
Tác giả: Thành Tuyên