Bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành của nước ta, hiện tại đang vào mùa nắng nóng nên tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng. Các bậc phụ huynh cần cẩn thận chăm sóc trẻ trong thời tiết khí hậu như thế này. Do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, thêm vào đó việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch bùng phát trong dịp hè là điều không nói trước được.
Bệnh tay, chân và miệng còn gọi là bệnh tay chân miệng, là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột của họ Picornaviridae gây ra ( thường gặp Coxsackie vius - A16 và Enterovirus 71-EV71 gây ra) . Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ < 5T, đặc biệt tập trung ở trẻ < 3T. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp đãn đến nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời
Các biểu hiện của bệnh
Biểu hiện đầu tiên khi mắc bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (khoảng 38 đến 38,5 độ C), đau họng, xổ mũi diễn ra trong vài ngày. Lúc này người nhà rất dễ nhầm bệnh tay chân miệng với các bệnh cảm cúm thông thường.
- Sau đó là những hiện chính: tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Tại sao trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh?
- Trẻ nhỏ thường hiếu động, hay nghịch, sờ vào các vật dụng gia đình, đồ chơi không mấy sạch sẽ;
- Những vật dụng chứa nhiều bụi, là nơi trú ngụ của nhiều virus gây bệnh, trong đó có cả virus gây bệnh tay chân miệng.
- Thể chất của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng còn non yếu, rất dễ bị các virus gây bệnh tấn công.
Các mức độ của bệnh tay chân miệng:
Bệnh tay chân miệng khi xuất hiện thường có 4 mức độ, các bác sĩ chia thành các mức độ và giai đoạn bệnh để có biện pháp xử trí cho phù hợp với từng giai đoạn
Độ 1: Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, chỉ loét miệng và/ hoặc tổn thương da
Độ 2: Được phân thành 2 mức độ:
- Độ 2a: có một trong các dấu hiệu sau: + Có giật mình 2 lần/ 30 phút và không ghi nhận lúc khám.
+ Sốt trên 2 ngày, hoặc sốt > 390C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ
- Độ 2b: có dấu hiệu thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2:
+ Nhóm 1: có một trong các dấu hiệu sau: Giật mình ghi nhận lúc khám; Bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần/ 30 phút; Bệnh sử có giật mình kèm theo một dấu hiệu sau (Ngủ gà, Mạch nhanh > 130 lần/ phút (khi trẻ nằm yên)
+ Nhóm 2: có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao ≥ 39,50C (đo nhiệt độ hậu môn) không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; Mạch nhanh > 150 lần / phút (khi trẻ nằm yên, không sốt); Thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng; Rung giật nhãn cầu, lác mắt; Yếu chi hoặc liệt chi; Liệt thần kinh sọ: nuốt sặc, thay đổi giọng nói,…
Độ 3: Ngoài các triệu chứng nói trên,hở nhanh, thở bất thường
Độ 4: Đây là dấu hiệu nặng nhất, trẻ rơi vào tình trạng phù phổi cấp, sốc, ◦Tím tái, SpO2 < 92%, ◦Ngưng thở, thở nấc.
Trong bệnh lý tay chân miệng, thông thường đến độ 2a là các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị, đến độ 2b thì cần khẩn cấp nhập viện để can thiệu cấp cứu không để chuyển biến nặng hơn.
Các virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây theo 2 cách: Qua đường hô hấp – gần giống đường lây của cảm cúm, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải.
Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ, tránh gây ra các biến chứng sau này.
Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn uống dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh cơ thể trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Phụ huynh nên vệ sinh nơi ở, và vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ. Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người, tránh trường hợp nhiễm chéo bệnh, làm cho dịch Tay chân miệng lại bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoan - Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ về cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng như sau: Bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi trẻ bị sốt, bé cần hạ sốt và giảm đau bằng Paracetamon (chú ý: không dùng Aspirin cho trẻ em). Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo lứa tuổi và bù dịch đầy đủ đề phòng mất nước, hạ đường huyết. Trẻ bú mẹ cần tăng cường ăn sữa mẹ nhiều hơn. Với trẻ lớn, có thể phải tránh các thức ăn làm trẻ đau rát miệng như: thức ăn có chất chua, cay (nước cam, chanh …); thức ăn nóng, đặc, cứng. Nên cho trẻ uống nhiều hơn các thức ăn lỏng, được làm mát như cháo loãng, sữa, chè đỗ đen… bố mẹ cần theo dõi sát để kịp thời đưa trẻ đến viện điều trị ngay khi có các dấu hiệu nặng.
Việc phòng bệnh tay chân miệng cũng được bác sĩ Nguyễn Thị Hoan nhấn mạnh, cha mẹ cần vệ sinh thân thể cho bé thật sạch sẽ, cho bé rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để loại bỏ virus bám trên làn da mỏng manh của bé. Đồ chơi, sàn nhà, những vật dụng liên quan tới trẻ cần được khử trùng, trước tiên bằng xà phòng, nước rồi khử trùng bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cha mẹ hãy kế cho bé thực đơn ăn uống đủ chất, giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch./.
Hiện có 0 nội dung bình luận