Bệnh nhồi máu cơ tim cấp gia tăng đột biến trong giai đoạn chuyển mùa
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Đỉnh điểm, ngày 7/9/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp cứu thành công 3 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, trong đó có 1 trường hợp ngừng tim. Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã khẩn trương thăm khám và tiến hành hội chẩn, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục hành chính, test nhanh Covid-19 để người bệnh được can thiệp nong đặt stent động mạch vành kịp thời. Sau can thiệp, cả ba người bệnh phục hồi tốt và có thể ra viện sau 2 đến 3 ngày điều trị.
Nói về bệnh lý Nhồi máu cơ tim cấp, Ths. Bs Cao Việt Cường (TK Tim mạch can thiệp) cho biết: Đây là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Khi cơ tim không được cung cấp máu nuôi dưỡng, nó sẽ hoại tử và gây ra triệu chứng đau ngực dữ dội. Việc chẩn đoán nhanh và can thiệp kịp thời sẽ quyết định sự sống còn của người bệnh.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, tâm lý e ngại đến bệnh viện trong mùa dịch COVID-19, không gọi cấp cứu kịp thời khiến nhiều người bệnh bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim phải đối diện với tình trạng nguy hiểm tính mạng, thậm chí tử vong. – Bác sĩ Cường cho biết thêm.
Theo các chuyên gia tim mạch, một trong những lý do khiến bệnh nhồi máu cơ tim cấp gia tăng đột biến trong thời gian này là do sự thay đổi của thời tiết. Thời tiết giao mùa đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch. Bởi khi nhiệt độ thay đổi thất thường, khiến cơ thể con người, nhất là người cao tuổi, khó thích ứng kịp, dễ dẫn tới một số biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não…, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.
Lý giải nguyên nhân này, bác sĩ Cường cho hay: Khi gặp thời tiết mưa, lạnh hay nắng nóng đột ngột dễ dẫn tới bệnh động mạch vành. Khí hậu thay đổi, khí áp không ổn định, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu oxy. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn. Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp cần
Những người bệnh có tiền sử bệnh lý về tim mạch cần được khám định kỳ đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để kịp thời phát hiện những yếu tố nguy cơ. Đặc biệt khi xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, choáng váng, vã mồ hôi,… cần đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa tim mạch ngay.
Bên cạnh đó, người bệnh cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày đặc biệt là bữa sáng.
Chú ý ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối và mỡ trong chế biến món ăn; bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chủ động khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì… nhằm kiểm soát sức khỏe tốt.
Thêm nữa, người dân cần loại trừ tâm lý e ngại khi đến bệnh viện vào mùa dịch. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 mà còn chú trọng phát triển chuyên môn, luôn kịp thời cấp cứu những ca bệnh khó, cấp tính mang lại sự sống cho người bệnh.
Tác giả: Thành Tuyên