|
Khúc xạ học đường |
Tật khúc xạ là những nguyên nhân chính hàng đầu làm giảm thị lực, mù lòa và tàn tật, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Ước tính, tại Việt Nam cứ 05 trẻ thì có 01 trẻ em bị mắc tật khúc xạ. Tuy vậy, phần lớn các em vẫn chưa được phát hiện và điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời, tật khúc xạ có thể dẫn đến mù lòa, mất khả năng nhìn, đặc biệt là ở trẻ em.
|
Nhà tài trợ tặng 10 triệu đồng cho quỹ học sinh nghèo vượt khó của trường Tiểu học xã Ngọc Mỹ |
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đều tổ chức chương trình khám sàng lọc khúc xạ học đường miễn phí cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sớm và kịp thời điều trị những bệnh lý về mắt cũng nói chung cũng như tật khúc xạ học đường nói riêng.
|
Bác sĩ chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đo khúc xạ cho học sinh trường TH xã Ngọc Mỹ |
Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện khám sàng học cho 02 điểm trường tiểu học với tổng số 658 học sinh. Qua thăm khám, 100% học sinh được đo thị lực. Với những học sinh có nghi ngờ về tật khúc xạ đều được các bác sĩ soi bóng đồng tử, đo độ khúc xạ. Kết quả: Phát hiện 8.8% học sinh mắc tật khúc xạ mức độ nhẹ và vừa, 04 học sinh được chỉ định đeo kính để điều trị tật khúc xạ, 02 học sinh nghi ngờ Nhược thị cần khám và theo dõi thêm để chẩn đoán xác định.
|
KTV Mắt cho học sinh thử kính điều chỉnh độ khúc xạ |
Chương trình cũng đã tặng thuốc bổ mắt cho tất cả học sinh 02 điểm trường. Đồng thời trao tặng kính mắt cho những học sinh được chỉ định điều trị tật khúc xạ và quỹ dành cho học sinh nghèo vượt khó trị giá 10 triệu đồng.
|
Dược sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn học sinh vệ sinh mắt hàng ngày và sử dụng thuốc bổ mắt |
Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, Ths.Bs Trần Văn Hà (Phó Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) khuyến cáo:
- Cân bằng giữa học tập và vui chơi: cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút sau mỗi tiết học; khuyến khích hoạt động ngoài trời;
- Hạn chế giải trí bằng điện thoại, máy tính, máy tính bảng, ti vi. Nên giới hạn thời lượng mỗi lần < 45 phút và tần suất < 3 lần/ngày;
- Nơi học tập cần đảm bảo đủ ánh sáng, nên bố trí góc học tập gần cửa sổ và sử dụng dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút;
- Về tư thế ngồi học: nên bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp, tư thế ngồi cần thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ, để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông;
- Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây;
- Không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm;
- Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt: ngủ đủ từ 6 - 8 tiếng một ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể;
- Khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ;
Tác giả: Thành Tuyên