Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang ở mức báo động, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, lây truyền từ vật trung gian là muỗi vằn: Aedes aegypti và Aedes albopictus. Loại muỗi này mang theo virus Dengue truyền sang cơ thể người lành qua đường muỗi đốt, sau đó virus nhân lên trong cơ thể người.
Theo Bs. CKI Vũ Thị Lan – khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc: Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Mỗi lần mắc bệnh sốt xuất huyết là do một type virus khác nhau gây ra, cơ thể người bệnh chỉ tạo ra miễn dịch với type virus gây bệnh đó nhưng không có miễn dịch chéo với các type còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị sốt xuất huyết tái nhiễm với các type virus khác. Mỗi người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương ứng với 4 type của virus dengue.
Thông thường, sốt xuất huyết lần đầu có thể được điều trị khỏi tại nhà. Tuy nhiên, các lần mắc sốt xuất huyết sau bệnh sẽ nặng hơn so với lần mắc trước, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là vì nếu mắc sốt xuất huyết lần 2, thường là do một type virus khác với loại trước đó gây ra. Khi đó, trong cơ thể người bệnh sẽ tồn tại 2 kháng thể của 2 chủng virus khác nhau, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, gây phản ứng, có thể làm tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, choáng, trụy mạch,… Chính vì thế, khi mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc 3 bạn không nên chủ quan mà hãy đến ngay các cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Hiện nay, để điều trị sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách: Uống thuốc hạ sốt nếu sốt trên 38,5 độ, bù dịch bằng đường uống; truyền dịch khi không ăn uống được và phải được theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế; Được điều trị chống sốc tích cực nếu có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu,.... Bác sĩ Lan cũng khuyến cáo người bệnh: Không tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Sáu điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết:
-
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
-
Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
-
Loại bỏ các vật liệu phế thải, lật úp các vật dụng có thể chứa nước khi không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
-
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
-
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
-
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Tác giả: Thu Hường