Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà do con người tạo ra. Chúng có thời gian phân hủy rất lâu, có thể kéo dài đến cả trăm, ngàn năm (chai nhựa mất tới 450 - 1000 năm mới phân hủy, ống hút nhựa và túi nilon thì phải mất tới 100 - 500 năm …).
Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu, ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất, 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường và được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.
Theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi nilon... là các vật dụng được tổng hợp từ chất hóa học hữu cơ (như nhựa PE). Hiện tượng ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa bắt nguồn từ việc xả rác nhựa ra môi trường của con người.
Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…
Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.
Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống. Trong đó, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.
Có thể thấy, tác hại của rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các sinh vật trong hệ sinh thái của chúng ta. Ô nhiễm chất thải nhựa là một vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng không chỉ đến môi trường tự nhiên mà còn đến cả con người và hệ sinh thái.
Trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.
Đối với việc thay thế các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất sử dụng nguyên liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong các hoạt động chuyên môn y tế cần có lộ trình thực hiện và thay thế từng bước. Do đặc thù ngành y tế, một số trang thiết bị y tế bằng nhựa hiện nay ngay cả trên thế giới cũng chưa có sản phẩm thay thế phù hợp và an toàn.
Bên cạnh rác thải y tế, rác thải phục vụ mục đích ăn uống cũng góp phần gia tăng đáng kể lượng rác thải trong Bệnh viện. Để giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải dùng một lần cho mục đích ăn uống trong Bệnh viện, khuyến cáo người bệnh, người nhà người bệnh:
-
Sử dụng đồ ăn trực tiếp tại căng tin Bệnh viện đảm bảo sạch sẽ.
-
Dùng cốc, bình nước cá nhân thay cho cốc sử dụng 1 lần
-
Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường: túi vải, túi giấy, túi nilon tự hủy sinh học,…
Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời tập trung tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh hạn chế sử dụng túi nilon và các vật liệu từ nhựa trong Bệnh việns góp phần xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch và thân thiện.
Tác giả: Hồng Nhung