Bệnh nhi nam 9 tuổi mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) vừa được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) cứu sống bằng phương pháp thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp bằng năng lượng sóng có tần số Radio (RF) hay còn gọi là đốt điện.
Chị D. (mẹ của U.), kể rằng: U. là đứa trẻ khoẻ mạnh, hoạt bát và chưa từng có tiền sử bệnh tim. Ba ngày trước khi vào viện cấp cứu vì “tim đập nhanh” thỉnh thoảng cháu có đau tức ngực, nhưng chỉ một lát là hết. Chiều ngày 14/4, cháu đau tức ngực nhiều, tím tái, tim đập rất nhanh nên được gia đình vội vã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để cấp cứu.
Khi tiếp nhận bệnh nhi, nhận thấy cháu có những biểu hiện của rối loạn nhịp tim, các bác sĩ lập tức cho U. làm điện tâm đồ. Kết quả điện tâm đồ của U. “gây choáng váng” cho các bác sĩ với số nhịp đập 229 lần/phút, gấp hơn 3 lần so với nhịp tim bình thường (nhịp tim ở trẻ bình thường khoảng 70 lần/phút). Bệnh nhi được bác sĩ cho dùng thuốc hạ nhịp, chống rối loạn nhịp tim. Sau 1 giờ cắt được cơn nhịp nhanh, bệnh nhi đỡ khó thở và giao tiếp được với bác sĩ. Tiếp tục theo dõi tiến triển bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW).
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Công (PGĐ TT Tim Mạch) cho biết: hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là bệnh lý rối loạn nhịp tim xảy ra khi có thêm một đường dẫn điện phụ theo chiều xuôi từ tâm nhĩ xuống tâm thất, gây ra rung thất (nhịp tim nhanh). Bệnh khá hiếm gặp với tỉ lệ rất nhỏ khoảng 20 đến 30 người mắc/100.000 người và rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
Kết quả điện tâm đồ của bệnh nhi U. trước và sau khi can thiệp |
Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn, có thể gây giãn, suy giảm chức năng thất trái nặng và thậm chí trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh.
Các bác sĩ nhận định: Đây là một ca bệnh rất nguy kịch, trẻ có thể đột tử bất cứ khi nào nếu có cơn tim nhanh xuất hiện. Các phương án điều trị cũng được đưa ra bàn luận và cân nhắc một cách hết sức cẩn thận. Phương án điều trị nội khoa bằng các thuốc chống loạn nhịp như thường dùng hiện nay có hiệu quả hạn chế nhất là dự phòng nguy cơ đột tử, hơn nữa thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm rất khó tiên lượng. Phương án điều trị can thiệp triệt để bằng năng lượng sóng cao tần được đánh giá là phương pháp tối ưu được lựa chọn ưu tiên cho người lớn và trẻ lớn.
các vị trí triệt đốt đường truyền phụ |
Phương pháp này đã được áp dụng thường quy tại bệnh viện trên người bệnh người lớn, đối với trẻ lớn thì đây là trường hợp đầu tiên được can thiệp. Các bác sĩ đã phải thận trọng cân nhắc vì lí do an toàn cho bệnh nhi. Tuy nhiên, xác định tính chất cấp cứu và sự sẵn sàng đáp ứng cấp cứu (về nhân lực cũng như trang thiết bị y tế) các bác sĩ chuyên khoa nhịp học đã lập tức mời hội chẩn với giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nhịp học nhi khoa và quyết định tiến hành can thiệp triệt đốt đường dẫn truyền phụ bằng năng lượng sóng có tần số radio cho bệnh nhi ngay tại Bệnh viện.
Ekip can thiệp nhịp học gồm Bs. CKII Nguyễn Văn Công, Ths. Bs Khổng Đình Kỷ và các cộng sự đã thực hiện thành công ca can thiệp chỉ trong 90 phút. Dưới hướng dẫn của DSA, các bác sĩ đưa 3 dòng điện cực vào cơ thể bệnh nhi, tiến hành thăm dò điện sinh lý tim để tìm đường dẫn truyền phụ sau đó tiến hành triệt đốt đường dẫn truyền phụ bằng năng lượng sóng có tần số radio. Qua 4 lần đốt điện đã can thiệp triệt đốt đường dẫn truyền phụ bằng năng lượng sóng có tần số Radio (RF) thành công. Sau khi can thiệp, toàn trạng bệnh nhi được cải thiện rõ rệt, các triệu chứng suy tim biến mất, nhịp tim dần trở lại bình thường. Sau 10 giờ, cháu U. đã có thể đi lại nhẹ nhàng được.
Bệnh nhi đang dần hồi phục (chụp ảnh cùng bác sĩ điều trị sau khi can thiệp thành công khoảng 10 giờ) |
Nhìn cậu con trai nhỏ đang dần hồi phục, chị D. (mẹ của U.) vẫn còn thảng thốt: “Đến giờ phút này, nghe bác sĩ giải thích về sự nguy hiểm của căn bệnh em vẫn chưa hết bàng hoàng sợ hãi và không thể quên được tình cảnh nguy kịch của cháu lúc đó. Trái tim cháu đập nhanh đến mức em không thể tưởng tượng và diễn tả được. Cũng may gia đình đã không chần chừ mà đưa con đến viện ngay, nhờ đó các bác sĩ mới kịp thời cấp cứu con, muộn một chút thôi có thể em đã mất con rồi”.
Theo BS. CKII Nguyễn Văn Công: Đối với người lớn, đây được coi là phương pháp lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, đối với trẻ em, phương pháp này tiềm ẩn những nguy cơ tai biến trong quá trình làm thủ thuật cao hơn do trái tim, hệ tuần hoàn tim và mạch máu của trẻ chưa trưởng thành. Vì vậy, để thực hiện được phương pháp này an toàn đòi hỏi nhiều yếu tố như: đội ngũ y bác sĩ làm can thiệp cần có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm lâm sàng, năng lực cấp cứu hồi sức cho người bệnh khi có diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ đáp ứng với yêu cầu chuyên môn.
Sự áp dụng thành công phương pháp triệt đốt đường dẫn truyền phụ bằng năng lượng sóng có tần số radio cho trẻ lớn là một thành tựu vượt bậc trong cấp cứu, can thiệp tim mạch nhi khoa tại tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng sự hài lòng người bệnh và giảm chi phí cho người dân.
Tác giả: Thành Tuyên