Dinh dưỡng lâm sàng là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh trong quá trình điều trị thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp. Do vậy, nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động Dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện được chú trọng phát triển trong thời gian này.
1. Tầm quan trọng của Dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện
Dinh dưỡng lâm sàng là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh trong quá trình điều trị thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dinh dưỡng lâm sàng làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hầu hết người bệnh chưa chú ý đến vấn đề này; mọi người vẫn quen với việc điều trị chủ yếu bằng thuốc và các phương pháp khác mà quên mất vai trò quan trọng của dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Khắc Th. (75 tuổi, Kim Long - Tam Dương) là một bệnh nhân tắc hẹp mạch vành chia sẻ: “Tôi phát hiện suy tim, tăng huyết áp đã gần 3 năm nay, điều trị nhiều đợt tại khoa Nội tim mạch đến nay sức khỏe đã ổn định. Hiện nay, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tôi còn được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân tim mạch. Qua đó, tôi hiểu được vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh, biết mình nên ăn và không nên ăn cái gì để nâng cao thể chất bằng việc: tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn và uống nhiều nước lọc, ăn ít chất béo… Nhờ được dùng thuốc và có chế độ dinh dưỡng phù hợp mà bệnh tình của tôi dần ổn định".
Thạc sĩ Dinh dưỡng Khổng Thúy Lan cho biết: “Mỗi bệnh lý đều có chế độ ăn uống khác nhau, ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc cung cấp dinh dưỡng đúng và đủ là hết sức cần thiết góp phần làm tăng hiệu quả điều trị, làm giảm tái phát, giảm số ngày nằm viện, ngăn ngừa bệnh không tiến triển hoặc chuyển sang mạn tính. Nếu không được bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp người bệnh có thể dẫn đến tình trạng dinh dưỡng không không hợp lý thiếu hay thừa các chất dinh dưỡng dẫn tới hậu quả làm tiêu cơ, gầy mòn, suy kiệt, giảm sức đề kháng của cơ thể, giảm sức chống chọi với bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khỏe và kết quả điều trị.
Dinh dưỡng cho người bệnh là một trong các biện pháp điều trị tổng hợp; dinh dưỡng hợp lý cần phải được xem như một loại thuốc trong điều trị, chế độ dinh dưỡng trong điều trị phải được thực hiện nghiêm túc. "Ăn điều trị" có vai trò quan trọng trong phục hồi cơ thể, đặc biệt đối với người bệnh sau phẫu thuật, bỏng, suy dinh dưỡng, thở máy dài ngày… và có vai trò lớn trong một số bệnh chuyển hóa như: Đái tháo đường, rối loạn Lipid, gout, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch... Việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tránh được đợt cấp, tái phát hay chuyển sang mạn tính”.
2. Khoa Dinh dưỡng tiết chế đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh
Nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh từ năm 1997, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Khoa Dinh dưỡng nay được gọi là khoa Dinh dưỡng tiết chế. Khoa Dinh dưỡng tiết chế có nhiệm vụ chính là cung cấp các suất ăn bệnh lý cho từng người bệnh, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà người bệnh về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay Khoa có 23 cán bộ, trong đó có 01 Thạc sĩ Dinh dưỡng, 02 bác sĩ đa khoa, 01 cán bộ đang được đào tạo CKI về chuyên ngành Dinh dưỡng, 01 cử nhân dinh dưỡng, 01 kỹ sư công nghệ thực phẩm và 17 nhân viên khác được chia làm hai bộ phận chính: bộ phận nấu ăn và tổ dinh dưỡng lâm sàng.
Khoa Dinh dưỡng tiết chế báo cáo sơ kết 7 tháng đầu năm 2017 |
Cán bộ khoa thường xuyên được cập nhật kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn tại các đơn vị đầu ngành về dinh dưỡng lâm sàng như: Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai… để không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện cử cán bộ khoa đi học tập kinh nghiệm quản lý về dinh dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai.
Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của khoa luôn được Bệnh viện chú trọng đầu tư: Nhà ăn rộng rãi, thoáng mát phục vụ được hàng trăm bệnh nhân trong giờ cao điểm. Nhà bếp được trang bị hệ thống chế biến, bảo quản đồ ăn và xe chuyên dụng vận chuyển các suất ăn bệnh lý,… Tất cả đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chế biến đến vận chuyển suất ăn cho từng người bệnh.
Để nâng cao kiến thức về dinh dưỡng lâm sàng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, Cán bộ về dinh dưỡng tiết chế đã đến trực tiếp từng khoa lâm sàng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và hội chẩn với các bác sĩ điều trị về dinh dưỡng của người bệnh; giới thiệu, tư vấn, giải đáp thắc mắc chế độ ăn cho người bệnh; tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; cung cấp suất ăn bệnh lý cho người bệnh.... góp phần nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng lâm sàng cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Khoa đã triển khai dịch vụ dinh dưỡng lâm sàng tới hầu hết khoa lâm sàng trong bệnh viện, đối tượng hướng đến là bệnh nhân chăm sóc cấp 1, bệnh nhân sau phẫu thuật, bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng,...Bảy tháng đầu năm 2017, khoa Dinh dưỡng tiết chế đã cung cấp 8.829 suất ăn bệnh lý, tăng 320% so với năm 2016. Thực hiện đóng chai súp ăn sonde cho người bệnh cần nuôi dưỡng qua sonde.
Trong thời gian tới, khoa Dinh dưỡng tiết chế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng lâm sàng, cung cấp suất ăn bệnh lý cho toàn bộ bệnh nhân chăm sóc cấp I; đồng thời đa dạng hóa thực đơn nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về dinh dưỡng cho người bệnh và người nhà người bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe và hiệu quả điều trị cho người bệnh tại bệnh viện.
Tác giả: Thu Thủy