Suy thận mạn là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Bệnh thận mạn là một bệnh lý nghiêm trọng, triệu chứng giai đoạn đầu có thể mơ hồ, khó phát hiện, gây chậm trễ trong việc nhận biết và chữa trị đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. Bệnh thận mạn đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm người bệnh đái tháo đường, huyết áp cao và bệnh lý cầu thận. Trên thế giới hiện có khoảng trên 850 triệu người mắc bệnh thận mạn và khoảng trên 3 triệu người bị mắc bệnh đang được điều trị thay thế thận.
*Cố vấn chuyên môn: BSCKI Ngô Văn Đức, Trưởng khoa Thận tiết niệu - Lọc máu.
Định nghĩa suy thận mạn
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài, tiến triển qua nhiều giai đoạn, khiến thận không thể lọc bỏ chất thải, duy trì cân bằng nước, điện giải và axit-base trong cơ thể. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nhưng có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này, hai thận mất chức năng hoàn toàn đòi hỏi phải điều trị thay thế như chạy thận nhân tạo, ghép thận, ... tốn kém nhiều tiền của và gây mệt mỏi chán nản cho người bệnh
Vì vậy, suy thận mạn tính cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện triệu chứng của bệnh đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến bệnh suy thận mạn. Theo Hội Thận học Quốc Tế KDIGO năm 2012, nguyên nhân bệnh thận mạn được phân dựa vào vị trí tổn thương giải phẫu học và bệnh căn nguyên chủ yếu tại thận, hoặc thứ phát sau các bệnh lý toàn thân, như sau:
· Bệnh cầu thận: bệnh nguyên phát (bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu, bệnh cầu thận màng, ..); bệnh thứ phát (Đái tháo đường, thuốc, bệnh ác tính, bệnh tự miễn)
· Bệnh ống thận mô kẽ: bệnh nguyên phát (nhiễm trùng tiểu, bệnh thận tắc nghẽn, sỏi niệu); bệnh thứ phát (bệnh tự nhiễm, bệnh thận do thuốc, đau tủy)
· Bệnh mạch máu thận: bệnh nguyên phát (viêm mạch máu do ANCA, loạn dưỡng xơ cơ); bệnh thứ phát (xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thuyên tắc do cholesterol)
· Bệnh nang thận và bệnh thận bẩm sinh: bệnh nguyên phát (thiểu sản thận, nang thủy thận); bệnh thứ phát (bệnh thận đa nang, hội chức Alport)
Các giai đoạn của suy thận mạn
Giai đoạn 1: Chức năng thận chưa bị ảnh hưởng nhiều
Ở giai đoạn 1, tổn thương tại cùng thận chỉ mới xuất hiện, không có biểu hiện ra ngoài. Chỉ số GFR lúc này có thể ở ngưỡng bình thường hoặc cao (GFR >90mL/phút).
Người bệnh phát hiện bị mắc suy thận giai đoạn 1 chủ yếu là khi đi thăm khám các bệnh lý khác hoặc đi khám sức khỏe tổng quan. Ở một số người, cơ thể thể sẽ xuất hiện triệu chứng cấp tính như ăn không ngon, đi tiểu về đêm nhiều, cơ thể mệt mỏi, đau tức tại 2 vùng thắt lưng.
Giai đoạn 2: Chức năng thận suy giảm nhẹ:
Bước sang giai đoạn 2, chỉ số GFR giảm xuống còn từ 60 đến 89 mL/phút. Tuy nhiên, các triệu chứng cụ thể vẫn chưa xuất hiện.
Trong những đợt khởi phát cấp tính, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, đi tiểu nhiều về đêm, đau ở 2 bên thắt lưng, kiểm tra thì thấy thiếu máu. Tuy nhiên, triệu chứng vẫn không rõ nét và tương đối giống như ở giai đoạn 1.
Giai đoạn 3: Chức năng thận bắt đầu suy giảm ở mức độ trung bình
Đến giai đoạn 3, chức năng của thận bắt đầu suy giảm nhiều nhưng biểu hiện ra bên ngoài cũng vẫn chưa rõ ràng. Bệnh cảnh cảm giác mệt mỏi, ăn không ngon thì người bệnh còn có thể gặp phải một vài triệu chứng khác như đau ở vùng lưng, sưng phù mí mắt, sưng tứ chi,... Những triệu chứng này chủ yếu xuất hiện trong thời kỳ khởi phát cấp. Trong giai đoạn 3, tình trạng bệnh lý được chia thành 2 mốc cơ bản:
- Mốc 3A; Chức năng cầu thận bị suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh thường xuyên bị thiếu máu, xương khớp bị ảnh hưởng. Chỉ số lọc cầu thận GRF lúc này giảm xuống còn 45 đến 59 mL/phút.
- Mốc 3B: Tổn thương tại vùng thận diễn biến nghiêm trọng hơn, người bệnh có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Chỉ số cầu thận GFR giảm xuống chỉ còn 40 đến 44 mL/phút.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh suy thận mạn
Một khi người bệnh có những triệu chứng điển hình thì việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa tiến trình của suy thận mạn.
Về các phương pháp chẩn đoán:
Để xác định tình trạng bệnh, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp chẩn đoán sau đây:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm chức năng thận giúp xác định mức độ creatinine và ure trong máu, từ đó đánh giá chức năng thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu có thể phát hiện những bất thường như protein niệu, một chỉ số cảnh báo sớm tình trạng suy thận.
- Siêu âm thận: Phương pháp này giúp hình dung cấu trúc và kích thước của thận, từ đó phát hiện ra các bất thường
- Chụp CT hoặc MRI: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI để đánh giá tình trạng thận một cách chi tiết hơn.
Điều trị bệnh suy thận mạn
Điều trị giảm triệu chứng:
Khi bệnh thận mạn ở giai đoạn chưa phải thay thế thận tức là khi MLCT >15ml/ph thì có thể điều trị bảo tồn thận.
Tìm nguyên nhân gây suy thận như đã nêu trên đồng thời điều trị cải thiện chức năng thận bằng các thuốc mà bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu sẽ khám và cho chỉ định nhằm giữ nguyên tổn thương thận không cho thận bị tổn thương thêm.
Điều trị theo hướng dẫn thay thế thận
Nếu điều trị theo hướng thay thế thận, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị theo các phương pháp sau:
- Chạy thận nhân tạo: Thực chất chính là phương pháp lọc máu, thay thế thực hiện một vài chức năng của thận. Theo đó, máu của người bệnh cần truyền ra bên ngoài để tiến hành lọc, loại bỏ tạp chất. Sau đó, máu vừa được lọc sạch lại tiếp tục truyền vào cơ thể người bệnh. Tần suất chạy thường là 3 lần/tuần, thời gian mỗi lần chạy thận kéo dài trong khoảng 4 tiếng.
- Lọc màng bụng: Ở cơ thể người, lớp màng bụng có khả năng lọc chất thải. Khi áp dụng phương pháp lọc màng bụng, dịch cần lọc được truyền từ ống dẫn vào bụng. Đến khi quá trình lọc kết thúc, phần dịch thải sau lọc sẽ được đưa ra khỏi cơ thể.
- Ghép thận: Phương pháp này chủ yếu áp dụng cho người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Nguồn thận sử dụng ở đây là thận lấy từ người hiến tặng hoặc người chết não, Sau khi thực hiện ghép thận, người bệnh cần dùng thuốc chống thải ghép và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Thay đổi lối sống:
Việc thay đổi lối sống là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa suy thận mạn:
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất béo xấu.
- Tập thể dục thường xuyên: Duy trì một lối sống năng động không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn hỗ trợ sức khỏe tim mạch, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của thận.
- Hạn chế rượu bia và thuốc lá: Những thói quen xấu này không chỉ ảnh hưởng đến thận mà còn đến toàn bộ sức khỏe.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Điều quan trọng là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những ai có tiền sử gia đình về bệnh thận hoặc các bệnh lý khác như tiểu đường và huyết áp cao.
- Xét nghiệm chức năng thận: Những xét nghiệm này bên được thực hiện hàng năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu nào của suy thận.
- Theo dõi các chỉ số sức khỏe khác: Huyết áp, cholesterol và đường huyết cũng cần được theo dõi để đảm bảo ở mức an toàn.
Có thể nói, bệnh suy thận rất nguy hiểm và khó phát hiện. Do đó, chúng ta nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân, hoặc thăm khám ngay khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý thận. Hãy đến ngay những cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xét nghiệm và tư vấn điều trị kịp thời. Đừng để đến khi bệnh trở nặng mà hãy chủ động kiểm tra sức khỏe ngay hôm nay vì chính bạn và gia đình.
Tác giả: Hà Trang