Nguyên nhân gây khô da trong mùa lạnh
Theo ThS. BS. Trần Văn Thảo (TK Da liễu): Da là cơ quan có diện tích lớn nhất cơ thể, nằm phía ngoài tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống. Da giống như chiếc áo tự nhiên có vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác động từ bên ngoài cũng như ngăn chặn các mầm bệnh xâm nhập vào. Da có chức năng bài tiết, điều hòa thân nhiệt, đồng thời lượng nước mất qua da là rất lớn trong thời tiết khô hanh. Vấn đề da khô, mất nước trở nên nghiêm trọng khi độ ẩm không khí giảm và các khiếm khuyết của da không được bù đắp kịp thời đúng cách.
Chia sẻ về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng da khô trong mùa lạnh, Bác sĩ Thảo cũng cho biết: Da của con người có chức năng trao đổi, sự mất nước qua da là rất lớn khi bề mặt da bị khiếm khuyết. Nguyên nhân gây khô da có thể xuất phát từ các bệnh lý như vảy cá, vảy nến, viêm da cơ địa… hoặc do sai sót trong quá trình chăm sóc da, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp như sữa rửa mặt tính kiềm cao, sữa rửa mặt tạo nhiều bọt, không sử dụng kem chống nắng vào mùa đông…;
Khi độ ẩm không khí xuống thấp (dưới 80%) thì hiện tượng mất nước qua da sẽ tăng dẫn tới da khô, nứt nẻ, bong chóc thậm chí gãy vỡ da, cùng với thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp dẫn tới hiện tượng co mạch ngoại vi và vấn đề nuôi dưỡng da cũng giảm làm cho da khô nhiều hơn.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng khô da như: Tắm nước quá nóng trong mùa đông, tắm nhiều lần trong ngày hay thời gian tắm quá lâu hoặc tiếp xúc nhiều với các chất tẩy rửa;
Ngoài ra, các yếu tố di truyền, nội tiết; người thuộc tuýp da dầu, người thuộc tuýp da khô, da dễ bị khô đặc biệt vào mùa đông hoặc người lớn tuổi dễ bị khô da hơn do tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn hoạt động kém. Chế độ ăn uống thiếu nước, vitamin, chất xơ cũng là một trong những nguyên nhân gây khô da.
Bí quyết chăm sóc và phòng ngừa da khô mùa lạnh là gì?
Theo Bác sĩ Thảo: Giữ độ ẩm cho da là yếu tố quan trọng nhất. Để làm được điều này rất khó khăn. Tuy nhiên dưới đây sẽ là những khuyến cáo đơn giản nhất để cho mọi người thực hiện hiệu quả dựa trên hoạt động chăm sóc da và các sản phẩm dưỡng da. Bạn nên sử dụng tẩy tế bào chết, sửa rửa mặt phù hợp tránh các loại sữa rửa mặt có tính kiềm cao, sữa rửa mặt tạo nhiều bọt. Sau khi rửa mặt xong nên bôi kem dưỡng ẩm.
Dùng sản phẩm dưỡng da dạng làm mềm da có chứa thành phần Cerminde, Cholesterol, Acid béo, sẽ mang đến hiệu quả tốt trong mọi trường hợp da khô. Tuy nhiên, chúng sẽ kém hiệu quả khi độ ẩm không khí quá thấp.
Dưỡng ẩm, hút ẩm: các sản phẩm này thường có chứa các chất có tác dụng hút nước và ngậm nước, khi độ ẩm không khí quá thấp thì dẫn tới da có thể bị mất nước trong da. Vì vậy khi sử dụng cần uống nhiều nước đồng thời không dùng khi thời tiết quá khô hanh. Và nên dùng sau tắm từ 3-5 phút.
Dưỡng ẩm khóa ẩm: các sản phẩm thường là chế phẩm từ dầu. Khi dùng sẽ tạo thành một màng kỵ nước có tác dụng hạn chế bốc hơi nước qua da, dùng rất hiệu quả khi độ ẩm không khí dưới 70 %. Đồng thời, chi phí sản phẩm phù hợp cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, điểm trừ của sản phẩm dạng này sẽ gây bóng nhờn, khó chịu cho người dùng.
Bên cạnh sử dụng kem dưỡng ẩm thì bạn nên kết hợp sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 - 50 cả những ngày có nắng và không có nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Đặc biệt, bạn nên đeo găng tay khi tiếp xúc với những chất tẩy rửa mạnh. Đồng thời, không nên tắm nước quá nóng, không tắm quá nhiều lần trong ngày hay tắm quá lâu. Bạn không nên thức quá khuya, hãy đi ngủ sớm để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo.
Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng rất có ích vào những ngày khô hanh, giúp cung cấp độ ẩm trong không khí, giảm tình trạng mất nước qua da. Ngoài ra, bổ sung nước cho cơ thể rất quan trọng. Vào mùa đông bạn thường không có cảm giác khát nhiều, tuy nhiên mỗi ngày bạn phải uống đủ lượng nước theo nhu cầu sinh lý. Chúng ta cũng cần bổ sung đủ vitamin, chất xơ cho cơ thể để có tình trạng sức khỏe tốt nhất và một làn da khỏe khoắn.
Khi nào bạn cần phải đi khám bác sĩ?
Nếu bạn đã áp dụng các phương pháp chăm sóc da khô được nêu ở trên nhưng không có cải thiện thì bạn hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị. Một số trường hợp có dấu hiệu viêm và đau, hay kèm theo vết loét, có dấu hiệu nhiễm trùng, da khô do bệnh lý vảy nến, vảy cá, viêm da cơ địa, suy giáp, tiểu đường, suy dinh dưỡng, cần phải được khám, xét nghiệm và kiểm tra để chẩn đoán chính xác và điều trị đúng kịp thời tránh để bệnh trở nên nặng hơn.
Tác giả: Trần Sang