Bị chó cắn là tai nạn phổ biến, nếu không xử lý vết thương đúng cách và kịp thời, nhất là vào mùa nắng nóng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Cấp cứu nhiều nạn nhân bị chó cắn đa vết thương phức tạp
Trong tuần qua, các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó cắn với nhiều vết thương phức tạp. Tiêu biểu là trường hợp ông Trần Quang P. (55 tuổi, Duy Phiên - Tam Dương) với 02 vết thương mặt ngoài 1/3 dưới cẳng chân trái kích thước dài khoảng 3cm, bờ mép bầm dập, tổn thương gân cơ do chó cắn.
Đặc biệt hơn là trường hợp của ông Hà Công Gi. (73 tuổi, Hoa Sơn - Lập Thạch) với 08 vết thương 1/2 dưới đùi phải, vết thương dài nhất khoảng 3cm, bờ mép bầm dập, tổn thương gân cơ, chảy nhiều máu qua vết thương. Tại đây, người bệnh được các bác sĩ xử trí cấp cứu, rửa vết thương, cắt lọc những tổ chức dập nát, hoại tử, lấy dị vật bên trong vết thương, bơm rửa sạch lại trường mổ và tiến hành khâu nối lại gân cơ tứ đầu đùi, đồng thời cầm máu bằng dao điện. Sau mổ, người bệnh tiếp tục điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, tình hình sức khỏe tiến triển tốt, trạng thái tinh thần dần ổn định.
Bị chó cắn nguy hiểm như thế nào?
Bị chó cắn có nguy cơ dẫn đến bệnh dại.
Thống kê từ các trường hợp nhiễm bệnh trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại, khi khởi phát bệnh, tỷ lệ sống sót ở cả động vật và con người gần như bằng không.
Bệnh dại là bệnh viêm não, tủy cấp tính gây ra bởi Rabies virus, thường gặp ở động vật máu nóng nhiễm virus dại như chó, mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác từ đó lây qua người lành thông qua vết cào, cắn, liếm lên vết thương hở. Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể bắt đầu nhân lên tại chỗ và di chuyển theo sợi trục (tức axon đảm nhiệm chức năng truyền tín hiệu từ thân tế bào tới tế bào thần kinh khác hoặc tới tế bào cơ) với tốc độ 12-24mm/h đến hệ thống thần kinh trung ương (não, tủy sống) làm tổn thương não bộ và rối loạn chức năng của các tế bào thần kinh khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Ban đầu, con vật vẫn khỏe mạnh, bình thường nhưng thực chất đã bị nhiễm virus dại. Theo thời gian, virus dần phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh và các triệu chứng khởi phát bệnh bắt đầu xuất hiện như mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ gió, tiếng động, giãn đồng tử, gia tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, huyết áp giảm, đôi khi có trường hợp xuất tinh tự nhiên. Lúc này, cơ hội sống sót của người bệnh gần như bằng không.
Thông thường, sau khi bị nhiễm virus dại từ chó, mèo, vật nuôi, người bệnh vẫn khỏe mạnh và chưa có bất cứ triệu chứng nào. Virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể khoảng 1 đến 3 tháng. Ở giai đoạn tiền triệu chứng (từ 1 đến 4 ngày), người bệnh sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, uể oải, cảm giác sợ hãi, tại vị trí bị cắn sẽ tê và đau do virus tác động gây viêm các hạch lưng tủy sống (miễn dịch tế bào). Triệu chứng rõ rệt của bệnh sẽ xuất hiện khi virus di chuyển đế hệ thống thần kinh trung ương và phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.
Cách sơ cứu khi bị cho mèo cắn
Chia sẻ về một vài hậu quả thương tâm do chó cắn gây ra, BSCKI. Dương Ngọc Hưng (PTK. Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc): một vài trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. Trong khi đó, bệnh dại khi đã lên cơn, tỉ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vaccine phòng dại, truyền huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.
Qua đó, Bác sĩ Hưng đã hướng dẫn cách sơ cứu khi bị cho mèo cắn đó là:
- Khi bị chó mèo cắn, cần rửa sạch vết thương ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng từ 10-15 phút.
- Trường hợp nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong vòng 15 phút và rửa kỹ vết thương với cồn 70 độ.
- Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương.
- Trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc nam để điều trị.
- Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp.
Để phòng tránh chó mèo cắn, không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.
Biện pháp đề phòng tránh bệnh dại
Tiêm phòng dại cho chó, mèo định kỳ hàng năm.
Khi có vết thương hở tránh tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo.
Khi bị chó mèo cắn cần khẩn trương sơ cứu theo các bước và lập tức đến cơ sở y tế để được khám và tiêm phòng.
Vết thương bị động vật nghi dại cắn không nên khâu kín, băng bó hay, bôi thuốc kín.
Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.
Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.
Chó cắn không chỉ gây nên những tổn thương về thể chất và tinh thần mà còn có nguy cơ mắc bệnh dại hoặc uốn ván. Do đó, mỗi người nên chủ động tiêm phòng bệnh dại, uốn ván để tránh mắc các bệnh nguy hiểm nếu không may chó tấn công. Nếu nuôi chó cần tiến hành xích, nhốt hoặc rọ mõm, tránh để con vật chạy rông và ngoài ra phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định. Quan trọng hơn cả là chúng ta cần tìm hiểu và nắm được cách sơ cứu khi bi chó cắn và kịp thời đến bệnh viện để tránh hậu quả đáng tiếc.
Tác giả: Thành Tuyên