Hằng năm, khi mùa hè đến cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ tai nạn trẻ em bị đuối nước dẫn đến bị tổn thương nặng, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng chống, ngăn ngừa “kẻ giết người” mang tên đuối nước là vô cùng quan trọng.
Đuối nước là gì?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
Theo thống kê cho thấy, có đến ⅘ trường hợp chết đuối là trong phổi có nước, còn ⅕ trường trong phổi không có nước. Sở dĩ có tình trạng tử vong mà trong phổi không có nước là do nạn nhân không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ bắp thanh quản là đóng khí quản khiến nạn nhân không thở được, dẫn đến thiếu oxy lên não và bất tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến đuối nước
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là bản tính tò mò, hiếu động của trẻ khi tự ý đi bơi ở ao, hồ, sông, suối mà không xin phép người lớn. Ngoài ra, sự thiếu giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ khi để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như ao, hồ, sông suối cũng khiến cho tỷ lệ trẻ em bị đuối nước xảy ra hằng năm rất nhiều.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ bị tai nạn đuối nước là do hầu hết các em không biết bơi, không được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Yếu tố môi trường cũng có ảnh hưởng không nhỏ khi các em sinh sống tại nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối không có rào chắn xung quanh, cũng không có biển cảnh báo. Điều này vô tình dẫn đến những tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra.
Ngoài ra phải kể đến một trường hợp đó là khi các em cứu lẫn nhau, không đủ sức dẫn đến chìm dần xuống dưới. Do chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc cấp cứu, sơ cứu,.. dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
Xử lý khi bị đuối nước
Bị đuối nước là điều mà không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi không may gặp phải thì dù là trẻ em hay người lớn cũng nên biết cách xử lý để thoát hiểm. Phải thật sự bình tĩnh khi bị rơi xuống nước hoặc bị đuối khi đang bơi. Không được níu người khác xuống để tránh việc nguy hiểm cho cả hai. Cố gắng tìm cách đứng nước hoặc nổi ngửa lên rồi giơ tay lên để cầu cứu với người xung quanh.
Các bước sơ cứu cơ bản khi bị đuối nước mà bạn cần biết
Tuỳ vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp sơ cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Tuy nhiên, dưới đây là những bước cơ bản mà bất kể ai cũng cần phải biết để giúp bản thân và người khác khi không may lâm vào cảnh hiểm.
Bước 1: Dùng cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm để kéo nạn nhân lên khỏi mặt nước. Hoặc ném phao, chèo thuyền để cứu nạn nhân lên. Tuyệt đối không được tự ý nhảy xuống cứu nếu không biết bơi.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên vào chỗ khô ráo, thoáng khí. Nhớ cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cho nạn nhân để không bị ngấm lạnh.
Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không để kịp thời hô hấp nhân tạo và ép tim. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Những lưu ý cần tránh
Thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy là hành động hoàn toàn sai vì sẽ làm mất thời gian quý giá để hô hấp cứu sống nạn nhân.
Trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh, người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân, không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước.
Cách phòng tránh tai nạn đuối nước
Đuối nước là ‘kẻ giết người” vô cùng nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vậy nên, cả trẻ em lẫn người lớn đều phải “nằm lòng” các giải pháp sau để kịp thời phòng tránh nguy cơ gặp tai nạn đuối nước.
Trẻ em cần phải có sự giám sát thường xuyên và chặt chẽ của người lớn để tránh việc tự ý đi ra sông, suối, ao hồ bơi. Người lớn cũng phải để ý, không cho trẻ con chơi, đùa nghịch cạnh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Ở nhà nếu có trẻ con thì không được để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
Một biện pháp lâu dài và vô cùng có ích đó là cho trẻ học bơi từ sớm để trẻ vừa được rèn luyện sức khỏe lại vừa có kỹ năng xử lý khi không may bị đuối nước.
Đuối nước là vấn đề cấp thiết ở Việt Nam khi nước ta đang xếp top đầu của khu vực. Đây là vấn đề của cả quốc gia, một địa phương, không phải của một gia đình hay cá nhân. Chính vì vậy, phòng chống đuối nước cần thực hiện từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm ảnh hưởng của vấn đề; nâng cao kiến thức về các giải pháp phòng chống đuối nước, tham gia và phối hợp với chính quyền địa phương hoặc Chính phủ để xây dựng kế hoạch và chính sách phòng chống đuối nước phù hợp.
Tác giả: Hà Trang