1. Triệu chứng rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim được chia làm 2 loại là rối loạn nhịp tim nhanh và rối loạn nhịp tim chậm. Thông thường, nhịp tim sẽ khoảng 60-80 lần/phút. Nếu nhịp tim rơi vào trên 100 lần/phút thì được gọi là nhịp tim nhanh, nếu dưới 60 lần/phút được gọi là nhịp tim chậm.
Triệu chứng của rối loạn nhịp tim rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, người bệnh rối loạn nhịp tim không có biểu hiện nào hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như cảm giác không khỏe, cảm giác khó chịu ở ngực.
Người mắc rối loạn nhịp tim có thể có các biểu hiện như:
· Hồi hộp trống ngực
· Tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực
· Khó thở, hụt hơi
· Mệt mỏi
· Chóng mặt
· Có thể bị ngất hoặc mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn
· Thậm chí có bệnh nhân rối loạn nhịp mà biểu hiện ngay ban đầu là đột tử
Người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ thăm khám và đưa ra chẩn đoán.
2. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim thường do các bệnh lý tim mạch gây ra và các bệnh lý ở cơ quan khác (ngoài tim).
Các bệnh lý tại tim có thể do một số nguyên nhân như:
· Suy nút xoang: hoạt động của nút xoang suy yếu
· Có ổ phát nhịp bất thường khác trong buồng tim do cấu trúc cơ tim thoái hóa
· Có đường dẫn truyền bất thường khác trong tim
· Bệnh suy tim, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh…
Các bệnh lý ngoài tim: Người bệnh có thể bị mắc một số bệnh lý như cường giáp, Basedow, nhiễm độc do tia xạ/hóa chất, nhồi máu cơ tim cấp, …
Ảnh hưởng của một số thuốc hoặc chất kích thích…
3. Phòng ngừa rối loạn nhịp tim
Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, người bệnh cần duy trì lối sống khoa học để giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách:
· Chú ý chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin D, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt trắng… vào thực đơn hàng ngày. Đồng thời hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa như mỡ động vật, lòng đỏ trứng… Nên lựa chọn chế độ ăn nhạt và hạn chế muối, mì chính, đường mía, hạt nêm…
· Duy trì tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày ít nhất 30 phút tùy vào từng thể trạng. Với người thừa cân béo phì cần giảm cân, duy trì chỉ số cân nặng chiều cao (BMI) hợp lý.
· Ngừng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, chất kích thích. Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng stress trong công việc và cuộc sống.
· Người bệnh cần lưu ý khi có dấu hiệu tim đập mạnh hoặc hồi hộp, khó thở nên ngồi nghỉ ngơi tại chỗ sau đó nhờ sự hỗ trợ của người thân để đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
4. Điều trị rối loạn nhịp tim
Có một số loại rối loạn nhịp tim gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh trong trường hợp rối loạn nhịp nhanh như: rung thất, xoắn đỉnh sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thậm chí gây tử vong. Một số trường hợp rối loạn nhịp chậm như: Block nhĩ thất độ III, suy nút xoang có thể gây ngừng tim và ảnh hưởng đến tính mạng.
Tùy vào từng loại rối loạn nhịp tim sẽ có phương án điều trị khác nhau. Có 3 phương pháp chính điều trị rối loạn nhịp tim: điều trị bằng thuốc, can thiệp bằng sóng có tần số Radio, phẫu thuật (cấy máy tạo nhịp tim).
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại (Điện tim 24h, hệ thống chụp mạch xóa nền, hệ thống thăm dò điện sinh lý tim…) phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc giúp phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, hiệu quả tình trạng rối loạn nhịp, ngăn ngừa các biến chứng gây tổn thương tim.
Để đặt lịch khám xin vui lòng liên hệ theo những cách sau:
Gọi điện đến số tổng đài (miễn phí) 1800.96.96.26
(Thời gian đăng ký từ 7:00 đến 21:00 hàng ngày).
Hoặc đăng ký online tại http://khambenh.dakhoavinhphuc.com/
Tải và đặt lịch khám tự động trên App BVĐK Vĩnh Phúc để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng
Tác giả: Trần Sang