Nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức chuyến đi “thăm chiến trường xưa” cho đoàn cán bộ là con của các anh hùng liệt sỹ, thương binh. Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc,… là nơi biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Trong hơn một thế kỷ, đất nước Việt Nam ta phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả… Lớp lớp thế hệ cha anh đã lên đường ra mặt trận và nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại trên chiến trường một phần thân thể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Tri ân các anh hùng liệt sỹ là truyền thống tốt đẹp của cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm qua và trở thành hoạt động được Đảng Bộ và Ban Giám đốc Bệnh viện luôn quan tâm. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) hàng năm, Lãnh đạo Bệnh viện đều tổ chức nhiều hoạt động nhằm thể hiện tấm lòng tri ân: “uống nước nhớ nguồn – đền ơn đáp nghĩa” đến các gia đình thương binh – liệt sỹ đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, vì nền hòa bình của đất nước.
Đồng chí Lê Hồng Trung - Bí thư Đảng bộ - Giám đốc bệnh viện tiễn đoàn cán bộ lên đường tri ân các anh hùng liệt sỹ vào sáng sớm ngày 27/7/2017 |
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) Lãnh đạo Bệnh viện đã thực hiện tâm nguyện của nhiều cán bộ là con của các anh hùng liệt sỹ, thương binh: được đến “chiến trường xưa” để thắp nén tâm nhang gửi đến các anh hùng liệt sỹ đặc biệt là những người con Vĩnh Phúc đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước năm xưa. Chính vì lẽ đó, cuộc hành trình “thăm chiến trường xưa” được thực hiện trong những ngày tháng 7.
Hành trình “thăm chiến trường xưa” do đồng chí Nguyễn Viết Thanh - Phó Bí thư Đảng bộ , Phó Giám đốc BV làm trưởng đoàn cùng 73 cán bộ là con thương binh, liệt sĩ thay mặt cho hơn 700 cán bộ nhân viên Bệnh viện đã đến thăm những địa danh lịch sử ghi dấu ấn “một thời đạn bom” đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Đó là chiến trường Quảng Trị với Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vĩnh Mốc. Đó là Hà Tĩnh với Ngã ba Đồng Lộc ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong, họ đã ngã xuống khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi….
Đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc xếp hànng viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) |
Điểm đến đầu tiên của Đoàn là viếng mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp – Vị Tổng tư lệnh cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Người dân Việt Nam đã dành nhiều tình cảm cho Đại tướng và ví người như anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam . Đoàn đã đặt vòng hoa và thắp nén hương thơm gửi đến Đại tướng để tỏ lòng biết ơn những công lao trời bể của Người dành cho đất nước.
Tiếp tục cuộc hành trình, Đoàn đến Nghĩa trang Trường Sơn vào một buổi ban mai. Nghĩa trang Trường Sơn rộng 52 ha năm trên 5 quả đồi sát bờ Nam sông Bến Hải, đây là nơi yên nghỉ của 10.333 liệt sỹ của 64 tỉnh thành, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc có 249 mộ liệt sỹ (1).
Nghĩa trang Trường Sơn nơi yên nghỉ của 10.333 liệt sỹ |
Dưới nắng sớm, từng ngôi mộ trắng san sát nối đuôi nhau trải dài ngút ngàn làm nhói tim biết bao khách viếng thăm, chiến tranh đã đi qua, giờ các anh được quy tụ về đây, nằm yên bình bên nhau. Trong dòng cảm xúc dâng trào khi thắp hương tại khu mộ Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Phúc, chị T. (cán bộ Bệnh viện) nói: “May mắn cho lớp thế hệ chúng tôi được sinh ra khi đất nước đã hoà bình, có cơm no áo ấm, được học hành, được vui chơi trong một đất nước hoà bình không tiếng đạn bom. Thế hệ chúng tôi chỉ được biết sự khốc liệt của chiến tranh, những mất mát hy sinh của bao thế hệ cha anh qua lời kể của ông cha, qua sách báo, phim ảnh… Đứng trước núi rừng Trường Sơn hùng vỹ, tôi hình dung đến những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của thế hệ trước. Biết bao mất mát hy sinh mới đánh đổi được hoà bình. Nhìn vào hàng ngàn ngôi mộ trắng, nhìn vào những bia mộ ghi “Liệt sỹ Chưa biết tên” lòng tôi lại nhói đau. Những sự hy sinh đó nhắc nhở cho chúng tôi về sự tàn khốc của chiến tranh, cũng nhắc nhở chúng tôi phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đã đánh đổi cả xương máu, tuổi thanh xuân cho nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cho cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.”
Đoàn cán bộ nhân viên Bệnh viện thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn |
Rời Nghĩa trang Trường Sơn với bao cảm xúc dâng trào, đoàn cán bộ Bệnh viện tiếp tục hành trình đến Nghĩa trang đường 9, nơi có hơn 9.500 người con ưu tú của đất Việt, trong đó có 332 người con Vĩnh Phúc (2) đang yên nghỉ là minh chứng hùng hồn nhất cho tình Quốc tế cao cả của dân tộc. Sự sẻ chia, tình keo sơn gắn bó Việt - Lào mãi mãi bền chặt không chỉ bởi “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” mà ở mỗi bản, làng còn thấm đẫm máu, nước mắt và nụ cười của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathét Lào. Tại đây, đồng chí Nguyễn Viết Thanh - trưởng đoàn đã thỉnh 9 tiếng chuông, đặt vòng hoa và dâng hương kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sỹ.
Đồng chí Nguyễn Viết Thanh - Phó Bí thư Đảng bộ, PGĐ Bệnh viện thỉnh 9 tiếng chuông trước khi làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Đường 9 |
Dòng cảm xúc của Đoàn tiếp tục dâng trào khi đến thăm Thành cổ Quảng Trị nơi ghi dấu của “khúc tráng ca bất tử”. Nơi Đoàn đặt chân không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ nhưng lại là nơi hàng vạn chiến sỹ đã ngã xuống dùng máu xương tô đậm màu xanh hoà bình. Đây cũng là điểm khác biệt lớn với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác. Bởi ở những nơi đó thì liệt sỹ nào cũng có mộ, cho dù liệt sỹ đó biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành cổ Quảng Trị thì các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể, một nấm mồ chung mà thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung - ngôi mộ tập thể đó.
Đàn cán bộ Bệnh viện xếp hàng dâng hoa, thắp hương tri ân tại Đài tưởng niệm trung tâm cũng là ngôi mộ chung của các chiến sỹ trong 81 ngày đêm thấm đẫm "máu và hoa" (1972) giữ Thành Quảng Trị |
Dòng cảm xúc của Đoàn chúng tôi “bùng nổ” khi nghe Ban quản lý khu di tích thuyết minh về 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa”. Đã có những chiến sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, có chiến sỹ hy sinh khi còn là cậu thiếu niên, 14 tuổi - “em” ngã xuống để giữ đất quê hương. Xúc động hơn cả là lá thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (Thái Bình). Lá thư 10 trang giấy đã lấy đi nước mắt của bao nhiêu cán bộ trong đó có người là bác sĩ, là điều dưỡng - những người đối với “sự sống và cái chết” là điều quen thuộc. Lặng nghe bức thư “báo tử trước” của anh sinh viên xây dựng năm 4, gác lại bút nghiên để lên đường ra mặt trận. Lá thư đã toát lên một tinh thần bất khuất, cùng những tình cảm thiêng liêng mà anh gửi gắm tới gia đình, đồng thời ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ của người lính về sự hy sinh của mình và niềm tin vào ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Các thành viên trong đoàn xúc động đọc lá thư "báo tử trước" của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh được trưng bày trong nhà tưởng niệm Thành cô Quảng Trị |
Chiến tranh là mất mát, là hy sinh. Có những chàng trai cô gái đã làm nên huyền thoại. Đối với người ở lại, sự hy sinh đó là bất tử. Chắc hẳn không ai trong chúng ta quên được sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Các chị đã vĩnh viễn nằm tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. Tên tuổi 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành bất tử như nhà thơ Vương Trọng đã viết trong bài thơ: “Lời thỉnh cầu giữa Ngã ba Đồng Lộc năm 1995: …Hai bảy năm trôi qua chúng tôi không thêm một tuổi nào…”.
Dâng hương tại mộ 10 cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc |
Kết thúc cuộc hành trình, Đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến thắp hương tri ân tại Làng Sen - Quê Bác để tỏ lòng thành kính đối với người “cha già” của dân tộc - Người đã mang lại “hoà bình - độc lập - tự do” cho muôn đời sau.
Mỗi một địa danh là một dấu ấn lịch sử. Đối với hành trình tri ân các anh hùng liệt sỹ năm nay, Ban Giám đốc Bệnh viện đặc biệt là đồng chí Lê Hồng Trung – Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Bệnh viện đã ấp ủ nhiều năm. Chuyến đi là tình cảm, là lòng thành kính, là sự biết ơn vô hạn của tập thể cán bộ Bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Phúc trước sự hy sinh, đóng góp thân mình vì nền độc lập, tự do và bình yên cho Tổ quốc.
Công lao của các anh hùng đã hy sinh vì đất nước luôn được Đảng, Nhà nước, quê hương Vĩnh Phúc và những thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn và mãi mãi ghi công. Trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ, tập thể cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nguyện hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ.
Một số hình ảnh khác trong hành trình tri ân các anh hùng liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cồng nghĩa trang Trường Sơn |
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết thắp hương tại khu mộ liệt sỹ tỉnh Vĩnh Phúc ở nghĩa trang Trường Sơn, cô là con liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến. |
Bác sĩ Vũ Duy Tuấn - TP Hành chính quản trị, Chủ tịch hội Cựu chiến binh Bệnh viện thắp hương tưởng nhớ đồng đội trong chiến trường năm xưa |
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại nghĩa trang Đường 9 |
Một trong vô vàn những ngôi mộ "Chưa biết tên" tại chiến trường năm xưa |
Đoàn thắp hương tại Đài tưởng niệm thành cổ Quảng Trị |
Nấm mồ chung của tử sĩ hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ thành Quảng Trị. |
Không gian xúc động trầm lắng khi đoàn nghe thuyết minh về địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong khi tuổi đời còn rất trẻ |
Về thăm Làng Sen - nơi đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu, người cha già của dân tộc |
* Chú thích: (1) ((2) Số liệu phần mộ liệt sỹ trong bài viết được lấy từ http://tkttls.quangtri.gov.vn/
Số liệu mang tính chất tương đối vì chưa có số liệu chính xác cho các phần mộ liệt sỹ, nhiều phần mộ là mộ tập thể.
Tác giả: Thành Tuyên