Glôcôm là gì?
Glôcôm là một nhóm bệnh gây tổn thương dây thần kinh thị giác, chủ yếu do tăng áp lực trong nhãn cầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy giảm thị lực không thể phục hồi hoặc mù lòa hoàn toàn.
Những ai có nguy cơ mắc glôcôm?
1. Người trên 40 tuổi, nguy cơ tăng theo tuổi.
2. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh (nguy cơ cao hơn 10 lần).
3. Người mắc bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường.
4. Người sử dụng corticoid kéo dài (dạng uống hoặc nhỏ mắt).
5. Người có chấn thương mắt, viêm mắt mạn tính, thị lực kém, giác mạc mỏng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh glôcôm
- Glôcôm cấp tính: Đau nhức mắt dữ dội, đau đầu, nhìn mờ, quầng xanh đỏ quanh đèn, mắt đỏ, buồn nôn. Đây là trường hợp cấp cứu nhãn khoa, cần điều trị ngay để tránh mất thị lực vĩnh viễn.
- Glôcôm mạn tính: Bệnh tiến triển âm thầm, không đau nhức, thị lực giảm từ từ. Người bệnh thường chủ quan, dễ nhầm lẫn với suy giảm thị lực do tuổi già.
Phòng ngừa và kiểm soát glôcôm
- Khám mắt định kỳ (6 tháng/lần) để đo nhãn áp và kiểm tra thần kinh thị giác.
- Những người trên 40 tuổi cần tầm soát glôcôm thường xuyên.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh nên kiểm tra mắt từ 25 tuổi.
- Không tự ý sử dụng thuốc có chứa corticoid, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm Thế giới 2025, mỗi cá nhân cần chủ động bảo vệ thị lực bằng cách thực hiện khám mắt định kỳ, nâng cao nhận thức về bệnh và kêu gọi cộng đồng cùng hành động. Ngăn chặn mù lòa do glôcôm bắt đầu từ việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời qua đó “Giữ đôi mắt sáng vì Thế giới đẹp tươi”.
Tác giả: Hiền Mai