Tham dự buổi tập huấn có: Lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm và cán bộ trong mạng lưới dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng cho người bệnh cũng chính là điều trị. Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện, dinh dưỡng làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, đồng thời phát huy tối đa công dụng thuốc. Khi thể chất người bệnh đạt trạng thái ổn định, không suy kiệt vì thiếu hụt dinh dưỡng thì nhanh hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí, giảm tái nhập viện, giảm số lượt nhập viện. Do đó, dinh dưỡng cần phải được xem như thuốc và việc đảm bảo chế độ ăn trong điều trị phải được thực hiện nghiêm túc.
Dinh dưỡng làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp phòng và chống lại bệnh tật, đặc biệt ở những người bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, bệnh đường tiêu hóa; có vai trò quan trọng trong phục hồi cơ thể, làm nhanh liền vết thương, tái tạo tổ chức mô, cơ, da, nhất là đối với người bệnh sau mổ, bỏng, suy dinh dưỡng, thở máy dài ngày… Bên cạnh đó, dinh dưỡng lâm sàng hỗ trợ làm chậm tiến triển bệnh trong một số bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn Lipid, Gout…
Tại buổi tập huấn, Thạc sĩ Dinh dưỡng Khổng Thị Thúy Lan – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ những thông tin quan trọng về hoạt động dinh dưỡng lâm sàng trong Bệnh viện như: Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị, quy trình tăng cường dinh dưỡng lâm sàng, phương pháp chẩn đoán suy dinh dưỡng, hệ thống văn bản về dinh dưỡng trong cơ sở khám, chữa bệnh, báo cáo kết quả đánh giá dinh dưỡng bằng phương pháp đánh giá tổng thể tình trạng dinh dưỡng theo chủ quan SGA (SGA- Subjective Global Assessment of Nutritional Status) tại 10 khoa lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023…
Kết thúc buổi tập huấn, các cán bộ y tế đã được cập nhật thêm những kiến thức về hoạt động dinh dưỡng lâm sàng cũng như cách thức thực hiện hiệu quả dinh dưỡng cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện.