Tăng huyết áp là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm với nhiều biến chứng khôn lường. Nếu không điều trị và kiểm soát tốt sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy sức khỏe, nặng nhất là có thể đe dọa tính mạng. Vậy những biến chứng có thể xảy ra đối với người bị tăng huyết áp là gì và kiểm soát bằng cách nào? Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tìm hiểu qua bài viết sau đây.
*CVCM: BSCKII. Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Bệnh viện, GĐTT Tim mạch
Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Đây là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác; và là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn cầu.
Đối với người bình thường, giá trị huyết áp thường ở mức 120mmHg. Tuy nhiên, ở những người cao huyết áp thì huyết áp tâm thu thường >140mmHg hoặc tâm trương > 90mmHg
Tăng huyết áp rất nguy hiểm nhưng lại có ít triệu chứng thể hiện, nên nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp mà do tình cờ đi khám bệnh định kỳ hay vì một lý do nào đó phát hiện ra mình mắc bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp có các triệu chứng như: hồi hộp, tim đập nhanh, nhức đầu, chóng mặt trong chốc lát, mặt đỏ, ra mồ hôi, ...
Tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử chỉ đứng sau bệnh lý ung thư. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, các biểu hiện thường rất mơ hồ, không rõ ràng gây khó khăn trong việc nhận biết chính xác và phát hiện sớm bệnh lý. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, để đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng sẽ xuất hiện những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Tăng huyết áp gây ra những biến chứng gì?
1. Đột quỵ
Nhắc đến biến chứng vô cùng nguy hiểm của tăng huyết áp thì không thể không nhắc đến đột quỵ. Người tăng huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hay tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều rất dễ bị đột quỵ não.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của nước ta và tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng dẫn đến đột quỵ. Người có huyết áp cao > 160/100 mmHg có nguy cơ bị xuất huyết não tăng gấp 4,3 lần. Và có đến khoảng 50% người bệnh nhồi máu não có kèm tăng huyết áp.
Thời gian vàng để điều trị nhồi máu não là trong 3 giờ khi bắt đầu có triệu chứng. Do đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: đột ngột tê cứng chân tay và nửa bên người, không đi lại được, không giơ tay được, đột ngột mất thị lực, chóng mặt, mất thăng bằng, không kiểm soát được động tác, ....
2. Nhồi máu cơ tim
Một nghiên cứu cho thấy có khoảng 50% người bệnh nhồi máu cơ tim có bệnh nền tăng huyết áp trước đó.
Huyết áp cao làm tăng xơ vữa mạch máu, thành mạch cứng hơn và dễ bị tổn thương. Các mảng xơ vữa bám vào trong lòng mạch vành gây hẹp dần, không dẫn đủ máu nuôi cơ tim khi tim cần làm việc gắng sức, gây ra triệu chứng mệt, đau ngực khi gắng sức. Mảng xơ vữa này có thể đột ngột bị vỡ ra, các tế bào máu bám vào thành mạch bị tổn thương, tạo nên cục huyết khối cấp tính, gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành và dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.
Ngay khi có các biểu hiện như: đau tức ngực trái hoặc xương ức dữ dội, đau lan lên cổ, cầm, vai, gáy, cánh tay, sau lưng, khó thở, nhịp tim tăng nhanh, rối loạn tri giác, nôn ói, ngất xỉu, .... thì bạn cần phải nhập viện ngay. Bởi có thể đây là dấu hiệu cho thấy bạn bị nhồi máu cơ tim.
3. Bệnh thận mạn tính
Tăng huyết áp lâu ngày sẽ gây tổn thương thận, làm giảm các chức năng thận. Ngược lại, có 5% trường hợp người bệnh bị tăng huyết áp là do bệnh thận mạn tính.
Ở người bệnh tăng huyết áp, nếu xét nghiệm nước tiểu thấy có đạm tiểu là có tổn thương ở thận. Mức độ đạm tiểu càng nhiều thì tổn thương ở thận càng nặng, nhất là khi huyết áp không được điều trị ổn định.
Các bệnh lý mạch máu như viêm xơ vữa động mạch, phình mạch, lóc tách phần lớn đều do bệnh tăng huyết áp lâu ngày gây nên. Trong đó có bệnh lý của động mạch thận. Tình trạng xơ vữa tăng lên dẫn đến hẹp động mạch thận.
Tăng huyết áp làm tổn thương màng lọc cầu thận. Mức độ tổn thương cầu thận tăng dần lâu ngày sẽ gây ra suy thận.
4. Suy tim
Suy tim cũng là một biến chứng vô cùng nguy hiểm của tăng huyết áp mà bất kỳ người bệnh nào cũng cần phải cảnh giác. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm tăng hậu gánh, tăng sức co bóp cơ tim. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim trái, sau đó là suy tim toàn bộ.
Người bệnh sẽ có triệu chứng của suy tim khi máu về tim khó khăn, ứ đọng ở phổi gây khó thở, giảm khả năng làm việc gắng sức hoặc tức ngực
5. Phình và bóc tách động mạch chủ
Huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ, lâu ngày làm thành mạch bị suy yếu, giãn lớn ra. Giãn động mạch chủ lên (đoạn vừa ra khỏi tim) rất hay gặp ở người cao huyết áp.
Khi kích thước động mạch chủ > 45mm thì gọi là phình động mạch chủ. Khi đó, đoạn động mạch chủ bị phình có thành mạch yếu, dễ bị tổn thương, xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến bóc tách thành động mạch hay vỡ động mạch chủ khiến người bệnh tử vong.
Người có huyết áp cao bị phình động mạch chủ cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ, điều trị tích cực xơ vữa động mạch và theo dõi kích thước động mạch chủ thường xuyên bằng siêu âm tim hay chụp CT động mạch chủ.
Ngoài những biến chứng nguy hiểm và phổ biến kể trên thì tăng huyết áp khi xảy ra thường kèm theo một số bệnh khác như: đái tháo đường, suy thận, rối loạn chuyển hóa, …. Điều này làm tăng nguy cơ biến chứng của các bệnh nặng như: bệnh lý võng mạc, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh của hệ thống thần kinh, … dẫn đến tình trạng bệnh ngày một tăng nhanh, tăng nguy cơ tử vong nếu không được kiểm soát tốt.
Biện pháp kiểm soát và phòng ngừa tăng huyết áp
Có thể nói rằng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng” mà bất kể ai cũng cần phải quan tâm và tìm cách bảo vệ mình. Để kiểm soát tình trạng bệnh và hạn chế tối đa những biến chứng của tăng huyết áp, BSCKII. Nguyễn Văn Huy (PGĐ Bệnh viện, GĐTT tim mạch) đã có những khuyến cáo sau đây:
- Sử dụng thuốc ổn định huyết áp hoặc các loại thuốc kiểm soát bệnh theo sự chỉ định, hướng dẫn và theo dõi từ các bác sĩ chuyên khoa.
- Cần phải điều trị triệt để những căn nguyên dẫn đến tăng huyết áp
- Theo dõi huyết áp thường xuyên bằng cách tự đo huyết áp ngay tại nhà hoặc nhập viện theo dõi nếu cần thiết để kịp thời xử lý khi xảy ra bất thường
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ chiên nóng, nhiều dầu mỡ, giảm lượng muối, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và vitamin.
- Tập thể dục đều đặn, vận động cơ thể bằng các bài tập vừa sức, tốt cho tim mạch
- Duy trì cân nặng ở mức độ ổn định, giảm cân nếu có cồn, nước ngọt, ...
- Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, không thức quá khuya, tránh tắm đêm, ...
- Theo dõi sức khỏe định kỳ hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị
Tác giả: Hà Trang