Kỹ thuật ghép khuyết sọ bằng tấm Titanium tạo hình 3D đã thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nắp sọ được tạo hình theo phương pháp này đạt độ chính xác gần như tuyệt đối (tới 95%) tương thích với người bệnh nên hiệu quả thẩm mỹ rất cao.
*CVCM: BSCKI. Hà Ngọc Linh, Chuyên gia phẫu thuật thần kinh, sọ não
Phẫu thuật tạo hình hộp sọ trong chấn thương sọ não là gì?
Phẫu thuật chấn thương sọ não tạo hình hộp sọ nhằm mục đích sửa chữa một khuyết hổng xương sọ sau chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật mở sọ giải áp. Hiện nay có hai phương pháp chính để tạo hình khuyết hổng xương sọ là ghép sọ tự thân hoặc ghép sọ bằng các vật liệu nhân tạo như xi măng sinh học, vật liệu carbon, vật liệu PEEK hoặc lưới Titanium, …
Nếu không được giải quyết, một khuyết hổng sọ có thể gây ra những bất lợi cho người bệnh như:
Có nguy cơ gây ra động kinh
Nguy cơ gây chậm phát triển tâm thần thần kinh
Phần khuyết sọ rất nguy hiểm vì não không được che chắn
Thiếu tính thẩm mỹ khiến người bệnh không tự tin trong giao tiếp xã hội
Hội chứng giảm áp lực nội sọ có thể gây chóng mặt, đau đầu, suy giảm ý thức, rối loạn cơ vòng, …
Vì sao nên tạo hình hộp sọ?
Theo BSCKI. Hà Ngọc Linh, Khoa Ngoại thần kinh: Sau tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc sau các phẫu thuật điều trị bệnh lý não hay những di chứng của vết thương chiến tranh, nhiều người bệnh sống sót nhưng lại mang trên mình các ổ khuyết xương sọ, nhu mô não bên trong chỉ được bảo vệ bằng một lớp da và tổ chức phần mềm mỏng ở bên ngoài hoặc mắc các bệnh lý xương sọ như u xương sọ.
Sự thiếu hổng hộp so gây ra "Hội chứng khuyết sọ" bao gồm các triệu chứng: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết, khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, gây tâm lý lo sợ khi lao động, sinh hoạt vì luôn phải tìm cách tránh va chạm với những vật cứng, làm cho người bệnh ngại tiếp xúc với mọi người vì lý do thẩm mỹ.
Với các ổ khuyết sọ lớn, cấu trúc não bộ bên dưới có thể bị biến đổi, qua đó ảnh hưởng tới chức năng của não. Hơn nữa, việc luôn mang theo mình ổ khuyết sọ, khiến cho người bệnh mặc cảm và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Do đó, việc phẫu thuật tạo hình hộp sọ sẽ giúp cải thiện những khiếm khuyết này. Bên cạnh đó còn mang đến nhiều lợi ích khác như: Định hình lại đầu; Giảm nhức đầu; Cải thiện chức năng não; Khắc phục lúm đồng tiền sau mổ sọ; Bảo vệ bộ não….
Những trường hợp được chỉ định phẫu thuật tạo hình hộp sọ
Ghép thì đầu, thực hiện sau khi cắt u xương sọ hoặc u di căn xương sọ, người bệnh bị khuyết xương sọ bẩm sinh, chấn thương sọ não kín dẫn đến lún sọ.
Ghép thì hai, thực hiện sau khi người bệnh bị chấn thương sọ não xuất hiện vết thương hở gây nát sọ hoặc vỡ sọ, viêm rò mảnh xương tự thân được ghép trước đó, tiêu mảnh xương tự thân…
Những vật liệu nhân tạo thường được sử dụng để tạo hình xương sọ như lưới titan vá sọ, xi măng nhân tạo, carbon… Đặc biệt hơn, những trường hợp khuyết xương sọ như xương hốc mũi, xương trán… thì cần có những miếng ghép nhân tạo có kích thước phù hợp, tạo hình khéo léo để vừa khít với vị trí bị khuyết nên công nghệ in 3D đã được phát minh và áp dụng vào việc sản xuất những miếng ghép xương sọ nhân tạo, giúp đảm bảo được độ thành công của phẫu thuật cũng như nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh.
Quá trình tạo hình miếng ghép sọ nhân tạo theo phương pháp 3D được tiến hành như sau: Đầu tiên người bệnh sẽ được chụp cắt lớp vi tính sọ não để có được hình ảnh 3D của vùng xương sọ, sau đó những thông tin này sẽ được sử dụng trong giai đoạn tạo hình và sản xuất mảnh ghép xương sọ nhân tạo có kích thước và hình dáng phù hợp với phần sọ khuyết của người bệnh.
Phẫu thuật tạo hình hộp sọ bằng lưới Titan 3D có những ưu điểm gì?
Tạo hình xương sọ trên những người bệnh khuyết xương sọ bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật sọ não là một phương pháp điều trị hiện đại và cần nhiều kiến thức chuyên sâu cũng như kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này.
Bên cạnh, kỹ thuật ghép sọ bằng xương tự thân thì sự ra đời của những mảnh ghép xương sọ nhân tạo cũng góp phần to lớn đến khả năng thành công của phẫu thuật tạo hình xương sọ, giúp cho những người bị khuyết xương sọ có thể giải quyết được vấn đề về sức khỏe của mình và mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho người bệnh.
Hiện tại, kỹ thuật ghép khuyết sọ bằng tấm Titanium tạo hình 3D đã thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nắp sọ được tạo hình theo phương pháp này đạt độ chính xác gần như tuyệt đối (tới 95%) tương thích với người bệnh nên hiệu quả thẩm mỹ rất cao. Phương pháp này có ưu điểm hơn hẳn so với kỹ thuật uốn tạo hình thủ công truyền thống. Bởi quá trình tạo hình hộp sọ truyền thống được diễn ra ngay trong lúc mổ; phẫu thuật viên phải bộc lộ hộp sọ người bệnh rồi dựa vào đó để cắt, uốn, tạo hình. Tuy nhiên với phương pháp tạo hình 3D, nắp sọ được tạo hình từ trước, giúp rút ngắn thời gian mổ và hạn chế mất máu cho người bệnh.
Một số lưu ý sau phẫu thuật hộp sọ như sau
BSCKI. Hà Ngọc Linh cũng khuyến cáo người bệnh sau phẫu thuật tạo hình ghép sọ cần: Giữ gìn vệ sinh vết mổ: trong thời tiết nắng nóng phải chú ý giữ vết mổ luôn luôn sạch - vô khuẩn, lau vết mổ bằng những dung dịch vô trùng như muối sinh lý, dung dịch betadine. Tuyệt đối không cho tay lên cạy hay gãi đầu gây chảy máu. Người bệnh nên ở trong phòng có máy lạnh/điều hòa nhiệt độ và giữ nhiệt độ vừa phải, dễ chịu, tránh để tình trạng đổ mồ hôi bởi dễ gây nhiễm khuẩn vết mổ.
Tác giả: Thành Tuyên