An toàn người bệnh là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong ngành y tế và Ngày An toàn người bệnh là chiến dịch trọng tâm nhằm thúc đẩy các hoạt động cải tiến chất lượng, quản lý rủi ro nguy cơ tại các bệnh viện, tăng cường nhận thức, sự tham gia và sự hiểu biết của cộng đồng trên toàn cầu, với mục tiêu bền vững: “trước tiên là không gây nguy hại cho người bệnh - first do no harm for patient".
Nếu bệnh viện không có phòng ngừa sự cố y khoa và có những biện pháp cải tiến chất lượng thì bệnh viện sẽ phải đón nhận những “cơn bão dư luận” gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu bệnh viện.
Hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh 2024 với chủ đề “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự An toàn của người bệnh – Improving diagnosis for patient safety” Bệnh viện Đa tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cụ thể như:
1. Chạy bảng điện tử, treo khẩu hiệu, panô, áp phích với nội dung: “Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn - Get it right, make it safe”
2. Tổ chức hội thảo, tập huấn theo chủ đề năm 2024 “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự An toàn của Người bệnh - Improving diagnosis for patient safety”;
3. Phổ biến các phương pháp, công khai kết quả triển khai Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho nhân viên y tế.
4. Đồng thời tích cực triển khai các giải pháp có ý nghĩa thực tiễn về an toàn người bệnh và nhân viên y tế
5. Tăng cường truyền thông hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới 2024 trên Trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông đại chúng của đơn vị.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kiên trì mục tiêu xây dựng văn minh, văn hóa bệnh viện. Từ năm 2017 đến nay, bệnh viện đã tổ chức thực hiện 5S (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc và Sẵn sàng), phát động và xây dựng phong trào cải tiến chất lượng toàn bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện tập trung vào phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu và cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Bệnh viện cũng là đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế về các nội dung: triển khai bệnh án điện tử, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy và không in phim.
Trong đó, Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, uy tín và thương hiệu bệnh viện. Phòng đã kết nối và xây dựng được mạng lưới chất lượng bệnh viện, phát huy sáng tạo của các phòng, khoa, trung tâm trong cải tiến chất lượng bệnh viện. Bộ 83 Tiêu chí Chất lượng bệnh viện được lưu trữ một cách khoa học giúp thuận tiện trong việc theo dõi cũng như là bằng chứng cho công tác đánh giá chất lượng bệnh viện đảm bảo khách quan chính xác. Sáu tháng đầu năm 2024, bệnh viện đạt 3.83/5 điểm chất lượng theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế; tỷ lệ hài lòng của người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú đều đạt trên 95%.
Ngày An toàn người bệnh năm 2024, với thông điệp "Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn!" – Get it right, make it safe", Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi nỗ lực phối hợp để giảm thiểu sự cố trong chẩn đoán thông qua nhiều biện pháp can thiệp đa dạng từ tư duy hệ thống đến yếu tố con người với sự tham gia tích cực của mọi đối tượng: người bệnh, người nhà, nhân viên y tế và lãnh đạo quản lý ngành y tế.
Các can thiệp từ bước khai thác tiền sử người bệnh, khám lâm sàng, quyền truy cập kết quả xét nghiệm chẩn đoán, đến triển khai các đề án đo lường, áp dụng công nghệ thông tin và học hỏi từ các sai sót chẩn đoán đã xảy ra...
Mục tiêu của Ngày an toàn người bệnh thế giới 2024
1. Nâng cao nhận thức toàn cầu về hậu quả của sự cố trong chẩn đoán đến người bệnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán chính xác, kịp thời trong bảo đảm an toàn người bệnh.
2. Tăng cường vai trò của nâng cao năng lực chẩn đoán trong ban hành chính sách về an toàn người bệnh và thực hành lâm sàng ở mọi cấp độ của hệ thống y tế.
3. Thúc đẩy sự hợp tác từ cấp quản lý nhà nước, lãnh đạo ngành y tế đến hiệp hội người hành nghề, hội đồng người bệnh, và các tổ chức chính trị xã hội liên quan... để đồng bộ về chính sách, chiến lược cho mục tiêu chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn
4. Khuyến khích sự tham gia của người bệnh người nhà cùng với nhân viên y tế, các lãnh đạo, quản lý bệnh viện để nâng cao năng lực chẩn đoán.
Tác giả: Thành Tuyên