*Bài viết có sự cố vấn chuyên môn của BS.CKI. Bùi Văn Hậu – K. CĐHA
Chụp CLVT đa dãy (MSCT) là gì?
Chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu dò (chụp MSCT có tên viết tắt của Multislice Computer Tomography). Được hiểu là trước đây chúng ta quay một vòng tia X thì chỉ có 1 hàng tiếp nhận tín hiệu, ngày nay khi tia X được phát ra sẽ có nhiều hàng để tiếp nhận dữ liệu, có 4 hàng thì gọi là chụp 4 lát cắt, có 64 hàng thì gọi là chụp MSCT 64 lát cắt, … Hiện tại, ở Việt Nam đã có chụp MSCT 128 lát cắt, một số nơi đã có nhiều hơn 128 lát cắt như máy chụp MSCT 256, máy chụp MSCT 512 lát cắt.
MSCT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại sử dụng nhiều tia X quét qua một vị trí hoặc một vùng trên cơ thể theo lát cắt ngang. Sau đó kết quả được xử lý bằng máy vi tính để cho ra hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều của bộ phận cần chụp. Chụp MSCT cho hình ảnh rõ nét, đa chiều và có khả năng chụp nhiều vùng trong cùng một lần chụp.
So với kỹ thuật chụp X quang trước đây, chụp MSCT là một thành tựu vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh giúp ích đắc lực cho thầy thuốc trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Tại sao lại nên chụp MSCT?
Chụp MSCT đại diện cho một trong những cuộc cách mạng công nghệ thú vị nhất trong chẩn đoán hình ảnh, phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán nhiều bệnh lý ở các cơ quan khác nhau. Thay vì chụp cắt lớp thông thường nên chụp MSCT giúp chẩn đoán sớm cũng như chính xác các bệnh hơn. Đặc biệt với các máy chụp MSCT từ 64 dãy trở lên có thể chẩn đoán được bệnh lý về mạch vành, một trong những bệnh lý gây tử vong cao.
Các ưu điểm máy chụp MSCT
Thời gian chụp rất nhanh (3-5 phút) nhận kết quả sau khoảng 20 -30 phút, độ phân thời gian tốt. Chụp MSCT thích hợp trong định hướng điều trị cho người bệnh cần cấp cứu hoặc đánh giá các bộ phận di động như gan, tim, ruột, phổi, …
Độ dày lát cắt rất mỏng, hình ảnh rõ nét, hình ảnh không bị chồng hình lên nhau và có độ phân giải hình ảnh mô mềm tốt hơn nhiều so với chụp X-quang thông thường.
Phương pháp này có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán và điều trị bệnh, cụ thể:
- Phát hiện các bất thường của nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các khối u, ổ áp-xe, dị dạng.
- Đánh giá chính xác vị trí bị tổn thương, giúp hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị và theo dõi sau phẫu thuật.
- Chẩn đoán các bệnh lý bất thường bẩm sinh.
Chụp MSCT thường được ứng dụng trong trường hợp
Trong bệnh lý chấn thương: chụp MSCT có thể phát hiện các vấn đề về chấn thương toàn bộ cơ thể như: chấn thương sọ não, chấn thương đầu mặt cổ. Trong các chấn thương hệ thống xương khớp cũng như chấn thương khoang ngực, bụng, chậu.
Với các bệnh lý ung thư: chụp MSCT rất có giá trị trong sàng lọc, chẩn đoán các bệnh lý khối u cũng như phân loại, định hướng điều trị và theo dõi sau điều trị như các khối u sọ não, vùng đầu cổ, u phổi, u trung thất, u gan, tụy, u dạ dày, u đại tràng, u thận, u bàng quang, …
Trong bệnh lý tim mạch: chụp MSCT rất có giá trị chẩn đoán bệnh mạch vành, bệnh lý mạch não, mạch thận, mạch chi, … nhờ kỹ thuật không xâm nhập nên ít gây tổn hại cho người bệnh hơn các kỹ thuật chẩn đoán can thiệp khác.
Chụp MSCT có thể giúp xác định chính xác vị trí, số lượng, kích thước của sỏi tiết niệu cũng như cấu trúc của sỏi. Đặc biệt, hai mức năng lượng có thể định hướng tới bản chất hóa học của sỏi giúp bác sĩ tiết niệu chẩn đoán và định hướng điều trị bệnh lý sỏi tiết niệu.
Trong cấp cứu bụng: chụp MSCT có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán một số bệnh thường gặp trong cấp cứu bụng ngoại khoa mà siêu âm hạn chế đánh giá như viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, viêm ruột hoại tử, tắc ruột, viêm phúc mạc, áp xe trong ổ bụng và tiểu khung, …
Các bác sĩ sử dụng chụp kết quả MSCT để lên kế hoạch và quy trình điều trị, chẳng hạn như định hướng sinh thiết, phẫu thuật và xạ trị…
Những lưu ý khi chụp cắt lớp vi tính
Trước khi chụp
Người bệnh cần bỏ các vật bằng kim loại trên cơ thể trong phạm vi vùng chụp. Cần thông báo cho bác sĩ nếu:
- Đang có thai hoặc nghi ngờ có thai
- Mắc một trong các bệnh như tiểu đường, tĩnh mạch, hen suyễn, thận và dị ứng thuốc
- Ký cam kết nếu cần tiêm thuốc cản quang.
- Nhịn ăn trước 4 - 6 giờ tiêm thuốc cản quang, uống nước với lượng vừa phải trước khi chụp 2 giờ.
Trong khi chụp
Trong quá trình chụp MSCT, người bệnh cần nằm yên ngay cả khi có cảm giác nóng. Nếu chụp ngực và bụng, người bệnh có thể cần nín thở. Hãy nghe theo hướng dẫn của nhân viên y tế để thực hiện đúng.
Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nên cho trẻ ngủ để chụp các bộ phận không tiêm thuốc. Trường hợp phải tiêm thuốc cản quang, cần cho trẻ dùng an thần để tránh trẻ cử động khi tiêm thuốc. Vì nếu trẻ cử động có thể khiến kết quả chẩn đoán không chính xác.
Nếu có biểu hiện bất thường sau khi chụp như chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, ngứa, đỏ da, khó thở, sốt, … thì người bệnh nên thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Hiện nay, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng 02 máy chụp MSCT 16 dãy và 64 dãy. Điều này đã đáp ứng được phần lớn các nhu cầu khám - chữa bệnh của người dân. Qua chụp MSCT đã phát hiện kịp thời các trường hợp tắc mạch não, xuất huyết màng não do vỡ phình mạch, hẹp - tắc mạch vành, phát hiện sớm ung thư phổi nguyên phát, ung thư gan nguyên phát … từ đó giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp đem lại chất lượng sống cao nhất cho người bệnh.
Tác giả: Thành Tuyên