Tán sỏi thận qua da đang là phương pháp được áp dụng rộng rãi vì mang tới nhiều kết quả tích cực trong điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản. Sau tán sỏi, người bệnh ít bị đau, phục hồi sức khoẻ nhanh chóng.
*Cố vấn chuyên môn: ThS. BS Trần Ngọc Định, chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tán sỏi thận qua da là gì?
Tán sỏi qua da hay còn gọi là tán sỏi thận qua da bằng laser là phương pháp nội soi mà người bệnh được gây tê tuỷ sống, sau đó, Bác sĩ sẽ dùng kim chọc qua da vùng thắt lưng để vào thận. Đường hầm của kim chọc dò được nong rộng bằng dụng cụ nong để đạt được kích thước mong muốn. Tiếp theo, đưa máy nội soi và dùng năng lượng laser vào qua đường hầm để tán sỏi. Sỏi được tán thành vụn nhỏ và hút ra ngoài. Qua đường hầm, phẫu thuật viên đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ. Ống thông này được rút ra sau 24 – 48 giờ. Một số trường hợp, người bệnh có thể bổ sung tán sỏi ngoài cơ thể để xử lý các mảnh sỏi còn sót lại.
Những trường hợp nào có thể áp dụng tán sỏi thận qua da
- Sỏi thận có kích thước lớn, trên 1.5 cm, sỏi san hô, sỏi cứng
- Sỏi niệu quản 1/3 trên và có kích thước trên 1.5 cm.
- Trường hợp có dị dạng, tắc nghẽn đường niệu
- Người bệnh sót sỏi sau mổ hở hoặc có chống chỉ định hay thất bại với tán sỏi ngoài cơ thể.
Những trường hợp không chỉ định thực hiện tán sỏi qua da
- Người bệnh có bệnh lý nội khoa nặng: Rối loạn đông máu, chảy máu; xuất huyết toàn thân; bệnh mạch vành; suy tim nặng; chức năng phổi không tốt chống chỉ định gây mê nội khí quản; bị tiểu đường và huyết áp cao hoặc không thể chịu đựng phẫu thuật.
- Người bệnh đang sử dụng thuốc Aspirin, thuốc chống đông đường uống phải ngừng dùng thuốc từ 1 tuần, chuyển sang đường tiêm dưới da và kiểm tra lại chức năng đông máu không rối loạn mới chỉ định phẫu thuật.
- Người bệnh đang bị nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa được điều trị hoặc bị lao thận.
- Người bệnh có sỏi san hô mà thận bị dị dạng, dị vị không tạo được đường hầm qua da an toàn. Hoặc khi dùng tán sỏi qua da không lấy hết được sỏi.
- Người bệnh có sỏi trên thận lạc chỗ hoặc thận sa xuống tiểu khung.
- Người bệnh ung thư thận, có khối u ở thận.
- Người bệnh đang có thai.
Ưu điểm của phương pháp tán sỏi thận qua da
- Ít đau: Phẫu thuật nhẹ nhàng, không lo vết mổ dài ở bụng như mổ mở.
- Phục hồi nhanh, tiết kiệm chi phí nằm viện, người bệnh có thể sớm trở lại với đời sống sinh hoạt thường nhật.
- Sạch sỏi cao, tán sỏi qua da là phương pháp có thể kiểm tra toàn bộ đài bể thận và niệu quản nên tỉ lệ sạch sỏi cao.
- Ít tổn hại đến chức năng thận. Mổ mở có thể tổn thương trên 30% chức năng thận do đường rạch nhu mô thận. Tán sỏi thận qua da chỉ gây ảnh hưởng <1%.
Tỉ lệ thành công của tán sỏi thận qua da là bao nhiêu?
Tỷ lệ sạch sỏi của phương pháp tán sỏi thận qua da được báo cáo lên tới 90%. Tỷ lệ sạch sỏi cao hay thấp còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tay nghề của phẫu thuật viên, đặc tính của sỏi và trang thiết bị sử dụng.
Hướng dẫn chăm sóc sau khi thực hiện tán sỏi thận qua da
- Người bệnh có thể thấy nước tiểu có lẫn ít máu. Tình trạng này có thể kéo dài lên tới hai tuần. Lúc này, người bệnh nên uống càng nhiều nước càng tốt (Mỗi ngày cần uống 2 – 3l nước lọc, nước ép hay nước trái cây). Trong thời gian hồi phục, người bệnh cần lưu ý hạn chế những loại nước uống như: trà, cà phê … nếu uống các loại đồ uống nêu trên tuyệt đối không uống nhiều hơn hai tách trà hay cà phê mỗi ngày, đặc biệt tránh uống rượu.
- Người bệnh có thể bị đau xung quanh vùng phẫu thuật trong khoảng vài tuần. Với trường hợp này, Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau để giúp người bệnh cải thiện tình trạng này.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp ngăn ngừa táo bón. Do tình trạng căng ruột có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Người bệnh nên bổ sung nhiều trái cây và rau củ với các loại thực phẩm giàu chất xơ (mì ống, bánh mì nguyên hạt, gạo…). Để xác định chế độ ăn phù hợp, người bệnh nên trao đổi với Bác sĩ.
- Không nằm trong thời gian dài. Hạn chế di chuyển có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hay đông máu ở chân của người bệnh.
- Không nâng vác hay kéo vật nặng trong vòng 4 tuần sau phẫu thuật.
- Mỗi ngày nên thay băng vết thương, kiểm tra quá trình lành vết thương. Lưu ý không đặt băng ướt lên trên vết thương. Khi vết thương khô và lành (khoảng 3 – 5 ngày), người bệnh có thể tháo băng.
- Nghỉ ngơi khoảng 2 – 4 tuần trước khi quay lại làm việc. Nếu công việc yêu cầu nâng vác vật nặng hoặc vận động nhiều, người bệnh cần hỏi ý kiến Bác sĩ.
Tài liệu tham khảo: Trakya University Faculty of Medicine
------------------
- Để đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc xin vui lòng liên hệ theo những cách sau:
- Gọi điện đến số tổng đài (miễn phí) 1800.96.96.26
- (Thời gian đăng ký từ 7:00 đến 21:00 hàng ngày).
- Hoặc đăng ký online tại http://khambenh.dakhoavinhphuc.com/
- Tải và đặt lịch khám tự động trên App BVĐK Vĩnh Phúc để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng!
Tác giả: Trần Sang