1. Thông tin về BHYT được tích hợp trên Căn cước công dân
Từ tháng 01/2021, cơ quan công an chỉ cấp duy nhất loại Căn cước công dân gắn chip. Đây là loại giấy tờ tùy thân quan trọng và có nhiều ưu điểm so với Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân mã vạch trước đó.
Một trong những ưu điểm nổi trội của loại giấy tờ tùy thân này là tích hợp nhiều thông tin của công dân, tiến tới người dân chỉ cần mang duy nhất Căn cước công dân gắn chip để đi làm các thủ tục, giao dịch cần thiết.
Theo Thông báo 331/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cần khẩn trương kết nối cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân gắn chip phục vụ tiện ích cho người dân.
Trên thực tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng là cơ quan đầu tiên ngoài ngành công an đã kết nối, xác thực dữ liệu với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ cho việc liên thông thông tin trên giữa hai bộ ngành.
Theo đó, khi quét mã QR trên Căn cước công dân, thông tin bảo hiểm y tế của người dân cũng sẽ được hiển thị. Như vậy, dự kiến, có thể thay vì phải dùng thẻ BHYT giấy hay dùng ứng dụng VssID như hiện nay, người dân khi đi khám chữa bệnh chỉ cần mang theo Căn cước công dân gắn chip.
Hiện chưa có lộ trình cụ thể cho việc triển khai này, nhưng trong năm 2022, các cơ quan liên quan sẽ hoàn tất việc đưa thông tin về bảo hiểm y tế tích hợp trên thẻ Căn cước công dân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 331.
2. Thêm nhiều người được cấp thẻ BHYT miễn phí
Một trong những chính sách mới nổi bật của năm 2022 chính là tăng chuẩn hộ nghèo theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, hộ nghèo phải đáp ứng đủ 02 tiêu chí:
- Tiêu chí về thu nhập: Có thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 triệu đồng/tháng trở xuống nếu ở nông thôn và từ 02 triệu đồng/tháng nếu ở thành thị;
- Tiêu chí về dịch vụ xã hội cơ bản: Thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
So với quy định cũ tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, có thêm rất nhiều người thuộc diện hộ nghèo kể từ năm 2022, đó là trường hợp những người có mức thu nhập từ 900.000 đồng - dưới 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn và từ 1,3 triệu đồng đến dưới 02 triệu đồng/tháng ở thành thị, thiếu hụt 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (trước đây không được coi là hộ nghèo).
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người thuộc gia đình nghèo nằm trong diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT. Như vậy, từ năm 2022, có thêm rất nhiều người thuộc các trường hợp nêu trên được cấp thẻ BHYT miễn phí.
3. Nhiều người không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí
Với việc ban hành ra chuẩn nghèo mới tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP, áp dụng từ năm 2022, cũng sẽ có thêm rất nhiều người không còn thuộc diện hộ nghèo và được cấp thẻ BHYT miễn phí như trước đây.
Đó là trường hợp hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/tháng trở xuống ở nông thôn và từ 900.000 đồng/tháng trở xuống ở thành phố nhưng đáp ứng đủ các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Trước đây, những hộ gia đình thuộc trường hợp này được coi là hộ nghèo, nhưng từ năm 2022 lại không còn được coi là hộ nghèo (Nghị định 07 quy định hộ nghèo phải đáp ứng đồng thời 02 tiêu chí thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản).
Do đó, những người này cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ về thẻ BHYT.
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ra văn bản yêu cầu các địa phương khuyến khích những người thuộc trường hợp này mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình.
Hiện có 0 nội dung bình luận