Người bệnh Trần Thị T. có tiền sử suy tim độ 4, hẹp van tim 2 lá. Sáng sớm ngày 23/03, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau ở bàn chân và được người thân đưa vào viện. Tại bệnh viện, người bệnh cảm thấy đau rất nhiều, chân trái lạnh, màu nhợt, mất dần cảm giác đến mức tê bì. Khi thăm khám, bác sĩ không bắt được mạch đùi, mạch khoeo, mạch mu chân của người bệnh. Thêm vào đó, bà T.không thể cử động được ngón chân, bàn chân và co duỗi chân.
Nhận thấy các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh lý tắc động mạch chậu cấp, các bác sĩ lập tức chỉ định người bệnh chụp MSCT mạch máu, siêu âm dopler mạch máu, siêu âm dopler tim,… Các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho kết quả hình ảnh huyết khối gây hẹp tắc hoàn toàn động mạch chậu gốc, động mạch chậu trong và ngoài bên trái. Có huyết khối trong buồng tim, huyết khối gây thuyên tắc động mạch chậu gốc lan xuống động mạch chậu ngoài trái.
|
Hình ảnh động mạch chậu của người bệnh trước và sau can thiệp chụp trên DSA |
Thuyên tắc là do một cục máu đông từ nơi khác (ở trường hợp này có huyết khối ở buồng tim) di chuyển đến do tắc mạch. Cục máu đông có thể đơn thuần hay phối hợp với các chất vôi hóa, mảng xơ vữa hay các tổ chức sùi nhiễm khuẩn, và vị trí khởi phát cục máu đông hoặc là ở tim hoặc là ở động mạch.
Theo BS CKII Nguyễn Văn Công (Phó GĐ TT Tim mạch – Trưởng khoa Mạch máu ngoại vi và nhịp học): Tình trạng thuyên tắc động mạch chậu cấp do huyết khối từ tim vô cùng nguy hiểm và khẩn cấp. Nếu không kịp thời loại bỏ khối máu đông ra khỏi lòng mạch sẽ khiến dòng máu cung cấp cho động mạch chậu, động mạch đùi trái bị thuyên giảm hoặc mất hoàn toàn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở chân trái. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là hoại tử hoàn toàn chân trái, khi đó người bệnh buộc phải cắt cụt chân để cứu tính mạng (cưa chân) nếu không được xử lý kịp thời.
|
Bs CKII Nguyễn Văn Công hướng dẫn người bệnh vận động co - duỗi chân sau can thiệp hút huyết khối động mạch chậu trái |
Trước tình hình đó, người bệnh lập tức được chuyển đến phòng can thiệp mạch máu (DSA) để tiến hành thủ thuật can thiệp lấy huyết khối động mạch chậu qua con đường nội mạch. Sau 40 phút can thiệp, các bác sĩ đã hút hoàn toàn huyết khối cho người bệnh. Dòng máu cung cấp máu cho động mạch chi trái được hồi phục. Ngay sau can thiệp, tình trạng đau tê chân của người bệnh giảm dần, mạch ở vùng bàn chân có dấu hiệu của sự lưu thông máu tốt. Bàn chân hồng ấm trở lại, có thể co - duỗi nhẹ nhàng. Phim chụp kiểm tra sau can thiệp cho thấy đoạn động mạch bị thuyên tắc đã được loại bỏ.
Nhớ lại giây phút “thập tử nhất sinh” của mình người bệnh T. nói: “Trong đời tôi chưa từng trải qua những đau đớn như vậy. Lúc mới đầu tôi chỉ hơi đau bàn chân trái, sau đó cảm giác đau tăng lên rất nhiều, chân trái tê bì đến mức mất cảm giác và ngã quỵ xuống. Cho đến khi được các bác sĩ can thiệp cấp cứu xong, tôi đã bắt đầu có cảm giác trở lại, chân thấy đau và đỡ tê bì hơn. Được sự hướng dẫn của bác sĩ, hôm nay tôi đã tập vận động co duỗi chân. Mong rằng tôi sẽ sớm bình phục và không bị liệt.”
Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân: đối với thuyên tắc động mạch do huyết khối tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Một trong số đó là nguy cơ hoại tử, cắt cụt chi thể nếu không được xử trí kịp thời. Với việc ứng dụng kỹ thuật cao trong y học, đặc biệt trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, người bệnh sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn những bệnh lý nguy hiểm về tim và mạch máu nếu được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện như: đau tê, lạnh vùng chân, cẳng chân, bàn chân, di chuyển khó khăn cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mạch máu để được khám và điều trị kịp thời.
Tác giả: Thành Tuyên