Tiểu đường thai kỳ (GDM) là một tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose xảy ra trong thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Việc xét nghiệm và chẩn đoán kịp thời giúp giảm nguy cơ biến chứng, bảo đảm một thai kỳ khỏe mạnh.
**CVCM: BSCKII. Hoàng Thu Hằng – Trưởng khoa Nội tiết
Tài liệu tham khảo:
WHO (2013). "Diagnostic Criteria and Classification of Hyperglycemia First Detected in Pregnancy."
American Diabetes Association (ADA) Guidelines for Gestational Diabetes Mellitus.
Tầm quan trọng của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm tình trạng rối loạn đường huyết, giúp can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đối với thai phụ, nguy cơ mắc tiền sản giật và tăng huyết áp sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ có thể khiến thai nhi phát triển quá lớn, làm tăng nguy cơ phải sinh mổ. Sau khi sinh, những phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ cũng đối diện với nguy cơ cao phát triển tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và các bệnh tim mạch trong tương lai.
Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ, tiểu đường thai kỳ còn tác động tiêu cực đến thai nhi. Trẻ sinh ra có thể bị quá to, dẫn đến nguy cơ chấn thương khi sinh. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị hạ đường huyết sơ sinh do tăng tiết insulin, đồng thời tăng nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa và tiểu đường type 2 khi trưởng thành. Nhờ xét nghiệm sàng lọc, tình trạng này có thể được phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả, giúp giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và bé.
Các mốc thời gian quan trọng trong xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Lần khám thai đầu tiên (trước 12 tuần)
Ngay từ lần khám thai đầu tiên, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đối với những phụ nữ có nguy cơ cao. Các yếu tố nguy cơ bao gồm thừa cân, béo phì (BMI ≥ 25), tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường, tiền sử sinh con nặng trên 4kg, từng bị tiểu đường thai kỳ trước đó hoặc mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Ngoài xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm HbA1c cũng có thể được thực hiện để phát hiện tình trạng rối loạn đường huyết từ trước thai kỳ. Nếu kết quả HbA1c ≥ 6.5%, thai phụ có thể đã mắc tiểu đường type 2 từ trước và cần có chiến lược điều trị phù hợp.
Tuần 24 - 28: Giai đoạn xét nghiệm quan trọng nhất
Đây là thời điểm quan trọng nhất để kiểm tra tiểu đường thai kỳ, ngay cả với những thai phụ không có yếu tố nguy cơ. Xét nghiệm phổ biến nhất trong giai đoạn này là nghiệm pháp dung nạp glucose 75g (OGTT 75g).
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013, nếu bất kỳ giá trị nào vượt ngưỡng sau đây, thai phụ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ:
- Đường huyết lúc đói ≥ 5.1 mmol/L,
- Đường huyết sau 1 giờ ≥ 10.0 mmol/L,
- Đường huyết sau 2 giờ ≥ 8.5 mmol/L.
Tuần 32 - 36: Theo dõi lại nếu cần
Đối với những thai phụ đã được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, cần theo dõi chặt chẽ đường huyết để điều chỉnh chế độ ăn uống và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Biện pháp đầu tiên là thay đổi chế độ ăn và vận động hợp lý để giúp kiểm soát đường huyết mà không cần dùng thuốc. Bên cạnh đó, việc theo dõi đường huyết tại nhà sẽ giúp đánh giá hiệu quả kiểm soát, từ đó bác sĩ quyết định có cần điều trị bằng insulin hay không.
Nếu trước đó thai phụ không có kết quả xét nghiệm bất thường nhưng trong giai đoạn 32–36 tuần xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ như thai nhi phát triển quá nhanh, nước ối nhiều bất thường hoặc tăng cân nhanh không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm lại để đảm bảo thai kỳ an toàn.
Nếu xác định có Đái tháo đường thai kỳ: Để chẩn đoán Đái tháo thật sự cần làm lại xét nghiệm ở thời điểm sau sinh từ 4 đến 12 tuần.
Hướng dẫn kiểm soát tiểu đường thai kỳ
Chế độ ăn uống hợp lý
- Thai phụ cần điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát tốt đường huyết
- Hạn chế tinh bột: Nên chọn tinh bột phức hợp từ gạo lứt, khoai lang, yến mạch thay vì tinh bột đơn giản từ cơm trắng, bánh mì trắng.
- Tăng cường rau xanh, protein và chất xơ: Giúp làm chậm hấp thu đường và kiểm soát đường huyết.
- Chia nhỏ bữa ăn: Nên ăn 5-6 bữa nhỏ/ngày thay vì 3 bữa lớn.
- Tránh xa đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn: Giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột.
Gợi ý thực đơn trong ngày giúp mẹ bầu
- Sáng: 1 lát bánh mì nguyên cám + trứng luộc + 1 cốc sữa không đường.
- Bữa phụ: 1 quả táo hoặc hạnh nhân.
- Trưa: Gạo lứt + cá hồi + rau xanh xào.
- Chiều: Sữa chua không đường.
- Tối: Khoai lang + ức gà áp chảo + salad.
Theo dõi đường huyết tại nhà
Thai phụ cần kiểm tra đường huyết lúc đói và sau ăn từ 1 đến 2 giờ để đánh giá sự thay đổi. Mục tiêu đường huyết:
- Lúc đói: < 5.3 mmol/L,
- Sau ăn 1 giờ: < 7.8 mmol/L,
- Sau ăn 2 giờ: < 6.7 mmol/L.
Vận động hợp lý
Thai phụ nên duy trì vận động nhẹ nhàng như đi bộ sau bữa ăn khoảng 20-30 phút để giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Điều trị bằng insulin nếu cần
Nếu đường huyết không thể kiểm soát tốt chỉ bằng chế độ ăn và vận động, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng insulin. Các loại insulin thường được sử dụng trong thai kỳ bao gồm insulin NPH, insulin aspart hoặc insulin lispro, do tính an toàn cao và không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Các thuốc uống điều trị tiểu đường không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Thai phụ cần thực hiện xét nghiệm vào tuần 24 - 28, vì đây là thời điểm quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Đối với những người có nguy cơ cao, xét nghiệm sớm ngay từ lần khám thai đầu tiên là điều cần thiết. Bằng cách kiểm soát tốt đường huyết thông qua chế độ ăn uống, vận động hợp lý và theo dõi sát sao, thai phụ có thể duy trì một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Với phụ nữ đã được xác định có Đái tháo đường tai kỳ để chẩn đoán mắc Đái tháo đường thực sự nên được kiểm tra lại sau 4 -12 tuần sau sinh.
Thành Tuyên