An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, không những ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển giống nòi, dân tộc mà nó còn có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá, phát triển du lịch và an sinh xã hội…của mỗi quốc gia, dân tộc.
Ở nước ta, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng, Luật An toàn thực phẩm ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2011 và hàng loạt các văn bản pháp luật khác về ATTP được ban hành đã nâng cao vai trò pháp lý của vấn đề ATTP; quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức/cá nhân trong công tác bảo đảm ATTP; quy định chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ATTP…
Trong thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ lớn làm nhiều người mắc, phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian mùa hè sắp tới và hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong cộng đồng trong bảo đảm ATTP. Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành công tác kiểm tra giám sát ATVSTP tại bếp ăn Bệnh viện. Hiện tại bếp ăn Bệnh viện đã thực hiện tuân thủ đúng nội dung theo quy định tại chương II nghị định số 155/2018/NĐ-CP áp dụng cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nội dung cụ thể đã triển khai tại Bệnh viện:
1. Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại Bệnh viện, đảm bảo ATVSTP cho người bệnh, người nhà và cán bộ nhân viên bệnh viện. Trong đó cần chú ý ngộ độc vào mùa Xuân Hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên: Nấm, mốc; các loại thủy, hải sản, thức ăn chế biến có chứa độc tố tự nhiên.
2. Tăng cường công tác kiểm tra tại chỗ, giám sát an toàn thực phẩm, từ khâu nhập hàng, sơ chế, chế biến suất ăn và vận chuyển suất ăn đến tận nơi người bệnh và người nhà người bệnh; lưu mẫu thực phẩm sau chế biến trong 24h; làm test thực phẩm định kì phát hiện tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Thực hiện đúng theo chỉ đạo theo chương II thông tư 155/2018NĐ-BYT.
3. Đảm bảo vệ sinh chung bao gồm: Quy chuẩn bếp ăn một chiều; các quy chuẩn trang thiết bị dụng cụ; quy chuẩn nguồn nước sạch; phân loại rác thải đúng quy định trong và quanh khu vực sơ chế và chế biến thức ăn; quy định về người phục vụ được Bệnh viện tổ chức khám sức khỏe định kì 06 tháng/ lần đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm, được tập huấn về kiến thức ATVSTP và được cấp chứng chỉ.
Nội dung chính các yêu cầu vệ sinh chung tại bếp ăn Bệnh viện đang thực hiện bao gồm:
1. Yêu cầu về thiết bị và dụng cụ chế biến nấu nướng
- Các dụng cụ, thiết bị chủ yếu:
+ Hệ thống bếp nấu ăn bằng thiết bị điện và 100% nồi inox hiện đại.
+ Bàn chế biến: phủ bằng kim loại không rỉ, không thôi nhiễm.
+ Thớt: làm bằng gỗ rắn. Có thớt riêng cho chế biến thực phẩm sống và chín.
+ Dao: có dao riêng cho thái, chặt thực phẩm sống và thực phẩm chín.
+ Các thiết bị phục vụ cho nhà bếp đều đảm bảo thích hợp với loại thực phẩm, dễ bảo trì, dễ lau rửa, không thôi nhiễm vào thực phẩm.
+ Dụng cụ chứa đựng như: rổ, rá đảm bảo khô ráo, sạch sẽ trước khi sử dụng.
2. Đảm bảo nguyên tắc sơ chế:
- Dụng cụ sạch; dụng cụ và thực phẩm trên kệ, cách mặt sàn trên 20 cm.
- Sơ chế xong loại thực phẩm này mới chuyển sang loại khác. Rửa dụng cụ sơ chế trước khi chuyển sang sơ chế loại khác.
- Thực phẩm tươi sống nhập hàng ngày tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc, quá hạn.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến.
3. Yêu cầu đối với người sơ chế thực phẩm
- Trang phục: mặc quần áo gọn gàng, mặc đồng phục, đội mũ, đeo khẩu trang.
- Thức ăn chín không được để lẫn với thức ăn sống. Các dụng cụ, thiết bị, cũng phải tách biệt khác nhau.
- Khi đồ sống rơi xuống đất thì phải rửa sạch lại trước khi cho vào chế biến.
4. Đối với người chế biến
- Khi thay món chế biến phải rửa nồi mới nấu món khác.
- Đối với dụng cụ nấu: phải dùng riêng muôi, thìa, đũa.
- Sử dụng phụ gia, phẩm màu, gia vị theo quy định của ngành y tế.
- Không sử dụng dầu, mỡ, chiên đi chiên lại nhiều lần.
5. Đối với người chia thức ăn
- Thực phẩm sau khi nấu chín được chuyển vào phòng chia, phân phối.
- Phòng chia phải coi là phòng “vô trùng” nhất
* Trước khi chia thức ăn:
- Người chia thức ăn giữ vệ sinh cá nhân tốt: có trang phục bảo hộ lao động, rửa tay sạch bằng xà phòng, không để móng tay dài, không đeo đồ trang sức, không trực tiếp bốc, nắm thực phẩm.
- Dụng cụ chứa thực phẩm chín được dùng riêng biệt.
- Các suất ăn được bảo quản tránh bụi, ruồi.
- Dùng găng tay, khẩu trang khi chia thức ăn.
- Kiểm tra kĩ thức ăn trước khi chia.
* Trong khi chia thức ăn
- Trong quá trình chia thức ăn, bao tay chia thức ăn không được động đến các dụng cụ, thành bàn, xoong nồi. Nếu đụng thì dùng bao tay khác.
- Kiểm tra định lượng trước khi chia:
- Không để chồng chéo thức ăn làm mất mùi vị cảm quan của các món.
* Sau khi chia thức ăn:
- Chia xong kiểm tra lại để đảm bảo đủ món, đúng món, đúng định lượng.
Đảm bảo ATVSTP là đảm bảo cho sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Bệnh viện khuyến cáo mọi người nên ăn uống ở những cơ sở có đủ điều kiện VSATTP. Tuân thủ các nguyên tắc vàng của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về VSATTP. Hãy chung tay góp sức vì sức khỏe của bản thân, của gia đình và toàn xã hội.