Nếu như trước đây, điều dưỡng đơn thuần chỉ là người phụ giúp và thực hiện y lệnh của bác sỹ thì hiện nay nhiệm vụ của điều dưỡng ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Là người đầu tiên tiếp xúc, giao tiếp với người bệnh, người nhà người bệnh cũng như là người cuối cùng chia tay khi người bệnh được xuất viện trở về với gia đình, điều đó đòi hỏi người điều dưỡng không những phải đảm bảo các yêu cầu của bác sỹ đưa ra, mà còn phải vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức chuyên môn,cùng với đó là thái độ giao tiếp ứng xử gần gũi, quan tâm, động viên tinh thần, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, chống chọi với bệnh tật.
Toàn cảnh 1 trong chín lớp học của khóa đào tạo
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó của đội ngũ điều dưỡng, lãnh đạo Bệnh viện đã luôn quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, kiện toàn hệ thống điều dưỡng viên cả về số lượng và chất lượng đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử với người bệnh, người nhà người bệnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao kỹ năng giao tiếp và tư vấn giáo dục sức khỏe cho Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Nữ hộ sinh năm 2018”. Khóa đào tạo được diễn ra từ 03/5/2018 đến 31/5/2018, chia làm 9 lớp với tổng số học viên lên tới 279 học viên là những điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh đến từ các khoa, phòng trong toàn Bệnh viện.nhằm giúp cán bộ y tế nâng cao kỹ năng về giao tiếp ứng xử và tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh, đồng thời có thể áp dụng tốt kỹ năng giao tiếp ứng xử, tư vấn giáo dục sức khỏe vào công tác, chăm sóc, phục vụ người bệnh, từ đó có thể xây dựng nền tảng văn hóa giao tiếp cho mỗi cá nhân, phát triển đội ngũ Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh với phong thái chuyên nghiệp khi giao tiếp với người bệnh.
Cách xử lý tình huống của các học viên khi tình huống giả định được nêu trong khóa đào tạo
Tham gia khóa đào tạo, điều dưỡng Chu Thị Nữ hiện - khoa Sơ sinh tâm sự: “đã từng làm việc tại nhiều khoa lâm sàng khác nhau, tiếp xúc với nhiều người bệnh ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau, tôi thấy để làm tốt công tác của người điều dưỡng cần phải có sự yêu nghề, có tâm, đạo đức nghề nghiệp đặc biệt là cách ứng xử thân thiện đối với người bệnh”. Do đó, trong quá trình công tác, chị tâm niệm phải luôn xem người bệnh như người thân trong gia đình, lấy việc chăm sóc người bệnh toàn diện làm nhiệm vụ trọng tâm, luôn lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, để giúp họ bớt đau đớn, an tâm và phối hợp với cán bộ y tế trong quá trình điều trị.
Học viên của khóa đào tạo sôi nổi thảo luận trong quá trình đào tạo
ĐD CKI Đinh Thị Ngọc Thủy - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người luôn tâm huyết trong những hoạt động đào tạo điều dưỡng và đã gắn bó với Bệnh viện đa khoa tỉnh hơn 20 năm nay cũng là một trong 2 giảng viên chính của khóa đào tạo chia sẻ:“ Việc đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ nói chung và cho đội ngũ điều dưỡng nói riêng là việc làm thường xuyên và liên tục của Bệnh viện đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi cả ngành Y tế đang quyết tâm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Điều này cũng sẽ là một phần quan trọng bên cạnh việc đổi mới cơ chế hoạt động; xây dựng Bệnh viện xanh - sạch - đẹp, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ cao nhất, đem lại sự hài lòng cho người dân khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện”
Trong xu thế phát triển hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh luôn phấn đấu phát triển một cách toàn diện, song song việc đổi mới cơ chế hoạt động, xây dựng Bệnh viện xạnh - sạch - đẹp, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao, là phát triển và hoàn thiện dịch vụ điều dưỡng đảm bảo cho người bệnh được an toàn an tâm và thật sự hài lòng khi đến khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện Đa khoa tỉnh./.