Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi (Measles virus) thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Đây là một trong những bệnh có khả năng lây lan nhanh nhất, chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh thường bùng phát vào mùa đông – xuân và ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm vắc xin.
Đường lây truyền của bệnh sởi
Virus sởi có trong dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm bệnh và có thể lây lan theo các cách sau:
Lây qua không khí: Virus tồn tại trong các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Lây qua tiếp xúc gián tiếp: Các giọt bắn chứa virus có thể bám trên bề mặt đồ vật, khi người lành chạm vào và đưa tay lên mắt, mũi, miệng có thể bị lây nhiễm.
Khả năng lây nhiễm cao: Khoảng 90% những người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây.
Triệu chứng của bệnh sởi
Bệnh sởi diễn tiến qua 4 giai đoạn chính:
-
Giai đoạn ủ bệnh (7-14 ngày):
Không có triệu chứng rõ ràng. Virus đã xâm nhập vào cơ thể và bắt đầu nhân lên.
-
Giai đoạn khởi phát (2-4 ngày):
Sốt cao (39-40°C), kéo dài 3-4 ngày.
Triệu chứng giống cảm cúm: ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt.
Xuất hiện các hạt Koplik (đốm trắng nhỏ trên nền đỏ) trong niêm mạc miệng, dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi.
-
Giai đoạn phát ban (3-5 ngày)
Ban đỏ xuất hiện từ sau tai, lan xuống mặt, cổ, thân mình rồi đến tứ chi.
Ban có dạng hồng rát, không ngứa, khi lan xuống đến chân thì sốt bắt đầu giảm.
Ban bay dần theo thứ tự xuất hiện, để lại vết thâm trên da.
Người bệnh có thể còn mệt mỏi nhưng không còn lây nhiễm.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi
Dù đa số các trường hợp có thể tự khỏi, nhưng bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người suy dinh dưỡng và những người có hệ miễn dịch yếu. Các biến chứng bao gồm:
Hô hấp: Viêm phổi, viêm thanh quản, viêm phế quản.
Thần kinh: Viêm não sau sởi, viêm màng não, viêm tủy cấp, có thể gây di chứng thần kinh hoặc tử vong.
Tiêu hóa: Tiêu chảy nặng, viêm niêm mạc miệng, suy dinh dưỡng.
Mắt: Viêm giác mạc, loét giác mạc có thể dẫn đến mù lòa, đặc biệt ở trẻ thiếu vitamin A.
Nhiễm khuẩn thứ phát: Do hệ miễn dịch suy giảm, bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi
Vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Hai liều vắc xin giúp tạo miễn dịch lâu dài, với hiệu quả bảo vệ lên đến 97%.
Lịch tiêm chủng:
Mũi 1: Khi trẻ được 9-12 tháng tuổi.
Mũi 2: Khi trẻ được 18-24 tháng tuổi.
Người lớn chưa có miễn dịch hoặc chưa tiêm phòng đầy đủ cũng nên tiêm vắc xin, đặc biệt là phụ nữ trước khi mang thai.
-
Cách ly và kiểm soát lây nhiễm
Cách ly bệnh nhân từ khi có triệu chứng nghi ngờ đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban để tránh lây nhiễm.
Người chăm sóc và nhân viên y tế cần đeo khẩu trang N95 và rửa tay thường xuyên.
Giữ vệ sinh môi trường, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.
-
Tăng cường miễn dịch cá nhân
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là vitamin A, giúp giảm nguy cơ biến chứng.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, súc miệng, rửa tay bằng xà phòng.
Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tốc độ lây lan cao, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ vắc xin. Việc tuân thủ lịch tiêm chủng, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và kiểm soát lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tác giả: THÀNH TUYÊN