Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thành công kỹ thuật Hybrid cho người bệnh lớn tuổi, bị tắc động mạch chi dưới mạn tính phức tạp ở nhiều vị trí. Đây là kỹ thuật chỉ được thực hiện ở những cơ sở y tế được đầu tư thiết bị hiện đại, kíp phẫu thuật mạch máu và kíp can thiệp nội mạch có kinh nghiệm.
Ngày 5 tháng 1 năm 2023, ông H.V.Đ, 67 tuổi ở xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khám trong tình trạng: Đau nhiều hai chân khi đi được khoảng cách 20m, chân teo nhỏ, da chân lạnh và tái, không bắt mạch được tại các vị trí: Động mạch chậu, khoeo, mu chân hai bên, không có dấu hiệu hoại tử các đầu ngón chân. Người bệnh được chỉ định siêu âm dopler mạch máu và chụp cắt lớp vi tính (CT Scaner) đa dãy. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy người bệnh tắc mạn tính động mạch chậu gốc hai bên, tắc mạn tính động mạch đùi chung, đùi nông hai bên đến động mạch khoeo.
Đối với bệnh nhân lớn tuổi như ông Đ. cùng những diễn tiến phức tạp của tình trạng bệnh lý động mạch, việc cân nhắc các thủ thuật phẫu thuật và can thiệp cần phải hết sức thận trọng. Sau khi thăm khám kỹ và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa: Chuyên khoa Can thiệp tim - mạch máu, chuyên khoa phẫu thuật mạch máu và chuyên khoa Gây mê hồi sức. Từ đó, nhận định người bệnh tuổi cao, đoạn mạch máu bị tắc dài ở nhiều vị trí. Nếu áp dụng phẫu thuật theo kinh điển không giải quyết triệt để tổn thương, đồng thời có thể xảy ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Từ đó, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp Hybrid (đặt stent phối hợp can thiệp nội mạch) để điều trị cho người bệnh Đ.
Ekip can thiệp mạch sử dụng hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) tiếp cận tổn thương nong và đặt 1 stent đường kính 7mm, chiều dài 150mm ở động mạch đùi nông bên trái cho người bệnh |
Kỹ thuật Hybrid là kỹ thuật áp dụng phối hợp phẫu thuật mạch máu và can thiệp nội mạch nhằm giảm tác động có hại trên người bệnh, kỹ thuật này được coi là xu hướng trên thế giới hiện nay bởi nó phát huy được tối đa ưu điểm của cả 2 phương pháp phẫu thuật và can thiệp nội mạch rất rất phù hợp với người cao tuổi có tổn thương mạch máu dài, mạn tính. Thông thường kỹ thuật Hybrid chỉ được thực hiện ở những cơ sở y tế được đầu tư thiết bị hiện đại, kíp phẫu thuật mạch máu và kíp can thiệp nội mạch có kinh nghiệm. Ở Việt Nam, kỹ thuật này được triển khai lần đầu tại BV Việt Đức giai đoạn 2011-2013 dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài cho 8 người bệnh. Đến nay kỹ thuật này chỉ thực hiện được ở một số Bệnh viện tuyến Trung ương, hầu hết các Bệnh viện tuyến tỉnh chưa áp dụng và triển khai thực hiện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số ít các Bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được kỹ thuật Hybrid.
Người bệnh đã được can thiệp nội mạch bằng nong bóng phủ thuốc động mạch chậu, đùi chung bên phải, đặt 1 stent động mạch đùi nông bên phải. Tuy nhiên sau đó, không tiếp cận và can thiệp được tổn thương gây tắc động mạch chậu gốc, động mạch đùi chung, đùi nông bên trái. Vì vậy, kíp bác sĩ chuyên khoa Ngoại tổng hợp đã phối hợp cùng kíp bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức thực hiện phẫu thuật bóc tách nội mạc bị xơ vữa gây tắc động mạch chậu gốc và động mạch đùi chung trái, khâu phục hồi thành mạch để lưu thông dòng chảy đến động mạch đùi nông. Ngay sau đó, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch can thiệp sử dụng hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) tiếp cận tổn thương nong và đặt 1 stent đường kính 7mm, chiều dài 150mm ở động mạch đùi nông bên trái. Ngay sau khi thực hiện kỹ thuật, dòng máu lưu thông ở chân trái đã được khôi phục, kiểm tra thấy dòng máu từ động mạch chủ bụng đến các động mạch nhỏ ở bàn chân, quan sát bằng mắt thấy chân trái hồng trở lại, sờ da cẳng, bàn chân trái ấm, mạch khoeo, mạch mu chân bắt được, rõ.
Chia sẻ về những ưu điểm mà kỹ thuật Hybrid mang lại, BS. CKII. Nguyễn Văn Công (PGĐ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Việc áp dụng kỹ thuật Hybrid thành công cho người bệnh Đ. đã giải quyết triệt để tất cả các tổn thương gây tắc đoạn dài, phục hồi ngay tức thì dòng máu cấp cho chân trái từ đó rút ngắn thời gian hồi phục chức năng chân trái, giảm thời gian nằm viện, giảm tối đa chi phí điều trị cũng như bảo tồn được chân trái bị tắc mạn tính không bị cắt bỏ.
Qua đó, Bác sĩ Công cũng khuyến cáo: Bệnh hẹp tắc động mạch chi dưới mạn tính giai đoạn sớm thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, các biểu hiện thường bị lẫn với các biểu hiện của bệnh xương khớp, các biến chứng đái tháo đường. Do đó người dân cần chủ động khám, tầm soát, sàng lọc bệnh từ sớm. Khi đã phát hiện bệnh cần điều trị ngay để giảm các biến chứng, bảo tồn chức năng chi bị tổn thương, giảm tỷ lệ hoại tử và cắt cụt phần chi thể. Bên cạnh đó cũng cần tuân thủ điều trị các bệnh lý như tăng mỡ máu, tiểu đường và các bệnh tim mạch. Ngoài ra, nên loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, thuốc lào; ăn nhiều mỡ, ăn nhiều nội tạng động vật và thức ăn chế biến sẵn, đồ uống có ga, có cồn. Tăng cường lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm béo bụng, béo phì, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Đồng thời không ngại chia sẻ, tham khảo ý kiến chuyên gia và thường xuyên lắng nghe cơ thể mình.
Thành công của kỹ thuật Hybrid trong điều trị bệnh lý mạch máu phức tạp đã khẳng định kết quả đầu tư đúng hướng và thành công của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc về đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế, cũng như khả năng phối hợp làm việc theo nhóm. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng kỹ thuật cao trong y học, đặc biệt trong lĩnh vực can thiệp tim - mạch máu, người bệnh sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn những bệnh lý nguy hiểm về tim và mạch máu nếu được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.
Tác giả: Thành Tuyên