Cố vấn chuyên môn: BS. CKI. Nguyễn Thị Hoan – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh do virus đường ruột gây ra, lây lan từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh dễ bùng phát thành dịch lớn, do vậy mỗi chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng tránh và điều trị bệnh tay chân miệng hiệu quả giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ em:
Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường có các triệu chứng:
· Sốt: Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.
· Loét miệng: xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi và vòm họng, gây đau khi nuốt, khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước dãi.
· Phát ban trên da: là những nốt ban đỏ, hoặc những mụn nước hình bầu dục, nhỏ tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông. Đặc điểm các ban này thường không ngứa, không đau.
· Một số trẻ có thể tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...
Những biến chứng của bệnh tay chân miệng:
Nếu trẻ bị tay chân miệng mà không được phát hiện và điều trị kịp thời trẻ có thể gặp 1 số biến chứng:
· Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy
· Biến chứng tim mạch: Viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, truỵ mạch,…
· Biến chứng hô hấp: Phù phổi cấp
· Trường hợp nặng: Có thể sốc, tím tái, ngưng thở rồi dẫn tới tử vong.
Phương pháp để điều trị bệnh tay chân miệng:
Bệnh tay chân miệng do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo đó, mục tiêu điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng :
· Hạ sốt, giảm đau: Khi trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen, là hai loại thuốc giảm đau, hạ sốt thường được sử dụng.
· Giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn: Antacid dạng gel có thể được sử dụng để chấm vào các vết thương ở miệng để giảm cơn đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn
· Giảm ngứa: Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc kháng Histamin thông thường để làm dịu cơn ngứa cho trẻ.
· Bổ sung nước: Cho trẻ uống đủ nước, sữa, dung dịch bù điện giải hay các loại nước ép. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ nên được uống sữa mẹ để bù nước và tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch.
Chăm sóc trẻ khi bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ rất hiếm khi xuất hiện các biến chứng nặng và thường sẽ tự khỏi nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là một số chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách:
-
Cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, bố mẹ không được tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
-
Trẻ bị tay chân miệng dễ bị mất nước, do đó, bố mẹ nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày hoặc dung dịch bù nước hoặc nước trái cây để cung cấp nước và điện giải cho trẻ.
-
Các vết phồng rộp, mụn nước nên được để khô tự nhiên, không nên làm vỡ chúng để tránh bội nhiễm.
-
Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, tránh cho trẻ ăn đồ chua, cay, nóng.
-
Súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.
-
Chăm sóc trẻ tại nhà, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác để giảm khả năng lây bệnh.
Lưu ý: Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, bố mẹ lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:
-
Sốt cao ≥ 39oC.
-
Thở nhanh, khó thở.
-
Giật mình, lờ đờ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
-
Đi loạng choạng.
-
Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
-
Co giật, hôn mê…
Phương pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng
Hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Để giảm nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ, bố mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, gồm:
-
Tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của người khác.
-
Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như: ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng, quần áo,…
-
Dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.
-
Thường xuyên khử khuẩn, làm sạch đồ chơi của trẻ và khu vực sống.
-----------------------------------------------------
Để đặt lịch khám xin vui lòng liên hệ theo những cách sau:
Gọi điện đến số tổng đài (miễn phí) 1800.96.96.26
(Thời gian đăng ký từ 7:00 đến 21:00 hàng ngày).
Hoặc đăng ký online tại http://khambenh.dakhoavinhphuc.com/
Tải và đặt lịch khám tự động trên App BVĐK Vĩnh Phúc để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng!