Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng 1 vài phút. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tử vong mỗi năm do sốc phản vệ là 5- 6 người/1 triệu dân. Ở Việt Nam, tuy Bộ Y tế chưa có công bố số tử vong do sốc phản vệ tại các bệnh viện nhưng theo ý kiến của các giáo sư đầu ngành, sốc phản vệ vẫn xảy ra thường xuyên, gặp ở mọi nơi, các bệnh viện và cơ sở y tế. Có người khi được tiêm thuốc kháng sinh như penicillin, streptomycin và một số kháng sinh khác, chỉ 1 - 2 phút sau là tím tái, co thắt khí quản, mạch nhanh, suy hô hấp và rồi trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình (Trưởng khoa HSTC - Bệnh viện Bạch Mai), mấy năm trở lại đây, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn. Khi xảy ra sốc phản vệ chỉ cho phép xử lý cấp cứu trong vòng 10 giây, nếu chậm bệnh nhân sẽ tử vong. Các tình huống sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở bệnh viện mà ở ngoài cộng đồng rất nhiều. Đặc biệt, có những trường hợp phản vệ do dị ứng thức ăn, dù đơn giản chỉ ăn một hạt lạc, một vài cọng dọc mùng cũng bị sốc phản vệ và tử vong.
|
Xử trí sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc |
Nói về tình hình cấp cứu sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Ths.Bs Tô Quang Hưng (Trưởng khoa HSTC - CĐ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Năm 2017, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã xử trí cấp cứu thành công hơn 10 trường hợp sốc phản vệ. Trường hợp tử vong do sốc phản vệ giảm hơn cho với những năm trước. Tuy nhiên, việc cấp cứu thành công sốc phản vệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhân viên y tế phải có kinh nghiệm và chuyên môn xử trí sốc phản vệ, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ. Do vậy, Bác sĩ, nhân viên y tế phải nắm vững kiến thức và thực hành được cấp cứu phản vệ theo phác đồ.
Trước tình hình gia tăng số trường hợp sốc phản vệ, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 51/2017/TT-BYT về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Thông tư nói rõ, Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu, sẵn có để sử dụng cấp cứu phản vệ. Thông tư quy định rõ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ, nhân viên y tế phải đảm bảo các nguyên tắc dự phòng phản vệ: Chỉ định đường dùng thuốc phù hợp nhất, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác. Không phải thử phản ứng cho tất cả thuốc trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.
|
Lớp tập huấn triển khai thông tư 51/2017/TT-BYT về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc |
Nhằm triển khai thông tư 51/2017/TT-BYT về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ cho nhân viên y tế, từ ngày 17/04 đến ngày 20/04 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình tập huấn về "Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” cho nhân viên y tế. Tham gia lớp tập huấn có hơn 600 cán bộ đến từ các khoa (lâm sàng, cận lâm sàng), các phòng của Bệnh viện.
Tại lớp tập huấn, các học viên được chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kiến thức về các nội dung: Hướng dẫn chẩn đoán phản vệ; Hướng dẫn chẩn đoán mức độ phản vệ; Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ; Hướng dẫn cử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt; Hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế; Hướng dẫn khai thác tiền sử dị ứng; Mẫu thẻ theo dị ứng; Hướng dẫn chỉ định làm test da; Quy trình kỹ thuật test da; Sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ do Th.s Bs.Tô Quang Hưng (Trưởng khoa HSTC - CĐ) và Ths. Bs Ngô Mạnh Hà (Phó TK HSTC – CĐ) là những thầy thuốc giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu và đào tạo trực tiếp giảng dạy.
Kết thúc khóa học, các học viên đã nắm chắc kiến thức về “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán, xử trí phản vệ”. Qua đó, các cán bộ y tế được trang bị thêm kiến thức, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các trường hợp phản vệ.
Tác giả: Thành Tuyên