Chiều ngày 2/7/2021 có lẽ là ký ức kinh hoàng nhất trong cuộc đời bà Nguyễn Thị H. (58 tuổi). Trong khi đang làm việc thì bà H. không may bị máy cưa cắt vào cánh tay phải. Vết cắt khiến toàn bộ cánh tay phải của bà bị đứt rời hoàn toàn và văng ra ngoài.
Bà H. và “cánh tay phải” bị đứt rời được người thân đưa đến TTYT huyện Sông Lô để cấp cứu. Tại đây, nhân viên y tế đã sơ cứu cho người bệnh và bảo quản lạnh cánh tay phải của bà H. rồi lập tức chuyển người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Cánh tay bị đứt rời khỏi cơ thể của người bệnh |
Tuy nhiên, kể từ khi người bệnh “gặp nạn” cho đến khi được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã 2 giờ trôi qua, “giờ vàng” để cấp cứu hồi sinh cánh tay không còn nhiều. Bởi vậy, các bác sĩ đã chạy đua với thời gian, khẩn trương hồi sức cho người bệnh, thực hiện các xét nghiệm, tổ chức hội chẩn và chuẩn bị phương tiện phẫu thuật cấp cứu rồi chuyển người bệnh đến phòng phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật được huy động khẩn cấp gồm các bác sĩ là chuyên gia trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, vi phẫu mạch máu. Xác định tình trạng nguy kịch của người bệnh, các bác sĩ đã lập tức tiến hành phẫu thuật kết hợp xương vết thương gãy thân xương cánh tay phức tạp đồng thời thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối mạch máu thần kinh trong cánh tay để “trồng nối” cánh tay bị đứt vào cơ thể người bệnh.
Chia sẻ về ca phẫu thuật Ths.Bs Vũ Văn Bộ (phẫu thuật viên chính) cho biết: “Việc khâu nối lại mạch máu và các dây thần kinh cho người bệnh Nguyễn Thị H. là thao tác cực khó, yêu cầu phẫu thuật viên phải có trình độ cao và năng lực chuyên sâu. Đồng thời, thời gian phẫu thuật phải được rút ngắn đảm bảo tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể”.
|
Sau hơn 3 giờ cánh tay của người bệnh được nối thành công |
Sau hơn ba giờ nỗ lực cấp cứu dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ đã bước đầu nối lại thành công và “hồi sinh” cánh tay có nguy cơ bị mất cho người bệnh H.
Kỹ thuật vi phẫu là kỹ thuật cao và vô cùng phức tạp cần phải có đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên sâu và trang thiết bị hiện đại mới có thể thực hiện được. Kỹ thuật này thông thường chỉ thực hiện được ở một số bệnh viện tuyến trung ương. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu được thực hiện thường quy như nối bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân, cánh mũi… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện “trồng nối” cánh tay bị đứt rời với nhiều vết thương vô cùng phức tạp. Thành công của ca phẫu thuật là may mắn của người bệnh cũng là sự khẳng định trình độ chuyên sâu của các bác sĩ về lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và vi phẫu mạch máu, thần kinh.
Tác giả: Thành Tuyên