1. Sự cố y khoa là gì?
Theo thông tư số 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế đã đưa ra giải thích từ ngữ như sau: “Sự cố y khoa (Adverse Event) là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh”.
SCYK-SCRR là điều không mong muốn, nguyên nhân đến từ nhiều phía, cả chủ quan và khách quan. Nhưng quan trọng nhất là cần có giải pháp để giảm tỷ lệ cũng như mức độ của sự cố ở mức thấp nhất.
Ở các nước phát triển, việc triển khai hệ thống báo cáo SCYK-SCRR được thực hiện rất tốt, qua đó công bố các tỷ lệ người bệnh gặp sự cố hằng năm và có các chương trình, giải pháp để phòng ngừa.
Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện chưa triển khai hoặc triển khai không hiệu quả hệ thống báo cáo SCYK-SCRR. Một trong những vấn đề khiến nhân viên y tế chưa chủ động, tự giác báo cáo vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, ít được huấn luyện; khối lượng công việc lớn, tình trạng căng thẳng, thiếu giao tiếp cũng dẫn đến xảy ra sự cố.
|
Chương trình tập huấn nhận diện và báo cáo sự cố y khoa |
2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai báo cáo SCYK-SCRR như thế nào?
Báo cáo SCYK-SCRR là việc cung cấp các thông tin về sự cố đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Sự cố gây nguy hại, nguy cơ nguy hại cho người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, nguồn lực của bệnh viện. Việc báo cáo, chia sẻ sự cố có một ý nghĩa to lớn trong việc rút kinh nghiệm, cảnh báo phòng ngừa lặp lại sự cố trong tương lai.
Từ năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt đầu áp dụng mô hình báo cáo SCYK-SCRR. Tuy nhiên, hiệu quả của việc báo cáo sự cố chưa cao. Hàng năm, Bệnh viện mới ghi nhận trung bình 10 SCYK-SCRR trong toàn viện, thậm chí có năm chỉ có một vài sự cố được báo cáo và ghi nhận trong thời gian 12 tháng.
Với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nhân viên y tế tự nguyện báo cáo SCYK-SCRR, bước đầu xây dựng văn hóa chất lượng, đồng thời để kiện toàn hệ thống quy trình của Bệnh viện, hướng đến cải thiện không ngừng sự an toàn, hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, đối tác và khách đến thăm của Bệnh viện. Từ ngày 1/1/2023, báo cáo SCYK-SCRR được cải tiến từ hình thức báo cáo bằng văn bản (giấy) sang hình thức báo cáo trực tuyến (online) qua việc quét QRCODE.
Sau hai tháng triển khai, đã có 12 sự cố đã được ghi nhận, số sự cố tự nguyện báo cáo tăng nhanh, nhiều sự cố đã được ngăn chặn kịp thời, nhiều quy trình hệ thống của Bệnh viện được xem xét, cải tiến. Các chỉ số chất lượng bệnh viện, như tỷ lệ sự cố y khoa nhóm tổn thương nghiêm trọng và tổn thương nặng, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, viêm phổi/người bệnh thở máy, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiều chỉ số khác đã giảm rõ rệt; tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng. Đặc biệt là tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Theo Ths.Bs Nguyễn Tuấn Anh, Thư ký Hội đồng Quản lý chất lượng Bệnh viện: Với việc cải tiến hình thức báo cáo SCYK-SCRR từ báo cáo bằng văn bản (giấy) sang báo cáo trực tuyến bằng cách quét QRCODE, với hình thức này chúng ta chỉ mất 3-5 phút cho một báo cáo thay vì cứ “lê thê” cả buổi mới xong (thậm chí cả ngày) như trước đây, và sự “lê thê” này chính là một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho nhân viên y tế thực hiện báo cáo sự cố, rủi ro, ngoài ra với hình thức báo cáo trực tuyến này sẽ bảo đảm được tính bảo mật về thông tin của người báo cáo và đơn vị xảy ra sự cố được quy định tại Điều 12, Thông tư số 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.
Đặc biệt, với hình thức báo cáo sự cố trực tuyến qua quét mã QRCODE, trong quá trình làm việc, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động đều có thể báo cáo bất kỳ thời gian và địa điểm nào khuôn viên Bệnh viện. “Sự cố, rủi ro y tế” nghe ban đầu có vẻ gì đó rất “Đao to, Búa lớn” nhưng thực ra không phải như vậy. Theo định nghĩa ban đầu về Sự cố y khoa (Adverse Event) quy định tại Thông tư số 43/2018/TT-BYT là như vậy, tuy nhiên theo quan điểm hiện tại: Để tránh gây ra sự “nghiêm trọng hóa vấn đề” gây tâm lý “ngại tiếp xúc, né tránh vấn đề nhạy cảm” ta chỉ nên gọi là “Sự cố rủi ro y tế”, và đối tượng cần bảo đảm an toàn trong môi trường y tế ở đây không chỉ là người bệnh mà còn bao gồm cả: Thân nhân người bệnh; Cán bộ, viên chức, người lao động trong Bệnh viện; Đối tác và khách đến thăm của Bệnh viện. Đôi khi một phát hiện về sàn nhà trơn trượt có nguy cơ gây ngã, một cạnh sắc nhọn hiện hữu trên đường đi, lối lại hoặc tại các khu vực con người dễ tiếp cận, ….những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ này được báo cáo đã là những thông tin rất ý nghĩa để Bệnh viện cải thiện chất lượng hơn mỗi ngày, qua đó dần từng bước xây dựng thương hiệu “An toàn và Hài lòng” cho Bệnh viện.
Theo Quy luật Heinrich “Cứ mỗi sự cố nghiêm trọng là trước đó đã có 29 sự cố nhỏ và bắt nguồn từ 300 tình huống cận nguy (near miss)” và công việc chính của chúng ta cần làm để phòng tránh các SCYK-SCRR là phát hiện, báo cáo và xử lý sớm các tình huống cận nguy này (Tình huống có nguy cơ gây ra sự cố- “near miss”, và các sự cố thuộc nhóm Báo cáo tự nguyện).
Có thể nói, những kết quả bước đầu của cải tiến mô hình báo cáo SCYK-SCRR đã chứng tỏ đây là một mô hình hiệu quả mang lại lợi ích cho Bệnh viện và người bệnh. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục phát huy nâng cao hiệu quả mô hình đã đạt được, tập trung đi sâu vào các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện làm tăng sự hài lòng của người bệnh.
Tác giả: Thành Tuyên