Bướu nhân tuyến giáp hay còn gọi u tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Những bất thường này làm thay đổi cấu trúc và chức năng nội tiết của tuyến giáp. Mặc dù hầu hết các trường hợp bướu nhân tuyến giáp là lành tính, nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ phát hiện u tuyến giáp ác tính. Bướu nhân tuyến giáp chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong dân số, tuy nhiên tỉ lệ phát hiện chưa cao do phần lớn các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ. Hậu quả là khi người bệnh phát hiện đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng.
Để chẩn đoán và phát hiện sớm bướu nhân ở tuyến giáp là lành tính hay ác tính, thì xét nghiệm tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm là xét nghiệm cho kết quả nhanh trong thời gian 40-60 phút, độ chính xác cao, rất có giá trị trong định hướng chẩn đoán, điều trị và tiên lượng. Xét nghiệm này được thực hiện trên cả những bướu nhân sờ thấy được và những bướu nhân có kích thước nhỏ hoặc nằm sâu khó tiếp cận, tránh trường hợp bỏ sót.
|
Bs.CKI Hoàng Thu Hằng - Trưởng hoa Nội Tiết, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc |
Để giúp mọi người có thêm thông tin và kiến thức về kĩ thuật này chúng tôi có cuộc trao đổi với Bs.CKI Hoàng Thu Hằng - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
PV: Thưa bác sĩ, kỹ thuật chọc hút u giáp dưới hướng dẫn của siêu âm có ý nghĩa như thế nào trong chẩn đoán xác định, phân loại bệnh và định hướng điều trị các bệnh về tuyến giáp?
BS: Một ưu thế rất lớn của phương pháp này là thủ thuật làm dưới hướng dẫn của siêu âm nên việc chọc kim vào khối u được thực hiện chính xác, các bác sĩ tính toán dự kiến đường đi của kim, đồng thời theo dõi được đường kim trên màn hình siêu âm. Vì vậy đường đi của kim sẽ ngắn, nguy cơ làm tổn thương tế bào,và chạm vào mạch máu giảm xuống mức thấp nhất. Do đó người bệnh sẽ đỡ đau, ít biến chứng chảy máu và lấy được bệnh phẩm tại vị trí tổn thương nghi ngờ nhất.
PV: Vậy kỹ thuật này có chỉ định và chống chỉ định đối với người bệnh nào?
BS: Kỹ thuật này được chỉ định với người bệnh nghi ngờ viêm giáp, u tuyến giáp (u nang, hoặc bướu nhân, ung thư giáp).
Chống chỉ định với nhóm người bệnh: cường giáp, bị các bệnh về máu không đông, các trường hợp đang trong tình trạng cấp cứu.
PV: Quy trình thực hiện của kỹ thuật này như thế nào thưa Bác sĩ?
BS:Bước 1: Đặt người bệnh nằm ngửa, kê gối dưới vai người bệnh để đầu ngửa tối đa và mở rộng vùng cổ để dễ dàng tiến hành thủ thuật.
Bước 2: Sát trùng vị trí chọc kim.
Bước 3: Sử dụng máy siêu âm để định vị nhân và tìm đường đi của kim ngắn và an toàn nhất. Đưa kim vào trong lòng khối u ở các góc 3h, 6h hoặc 9h tùy theo tính chất nhân của mỗi người bệnh cụ thể.
Lưu ý: Trong quá trình đâm kim, người bệnh không được nuốt, nói chuyện hoặc ho. Toàn bộ quá trình thủ thuật diễn ra trong khoảng 5 - 10 phút.
Bước 4: Kết thúc quá trình bác sĩ băng khu vực đã thực hiện chọc hút.
PV: Những vấn đề gì có thể phát sinh trong và sau quá trình thực hiện? Có nguy hiểm gì không thưa Bác sĩ?
BS: Trong quá trình thực hiện, người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ ở vùng cổ khi kim được đưa vào tuyến giáp và đau sẽ có thể kéo dài khoảng 1 - 2 ngày (tương tự như tại vị trí chúng ta lấy máu ngoại vi). Rất hiếm trường hợp người bệnh có thể choáng nhẹ sau khi làm thủ thuật. Tuy nhiên không phải vấn đề quá nguy hiểm, có thể khắc phục bằng cách cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại giường một thời gian ngắn, cơ thể sẽ trở lại bình thường.
Trong suốt 7 năm chọc hút tế bào tuyến giáp tôi mới gặp 2 trường hợp bị choáng nhẹ. Người bệnh nghỉ ngơi 30 phút thì cơ thể trở lại trạng thái bình thường mà không cần phải can thiệp gì.
PV: Sau khi làm thủ thuật thì người bệnh cần lưu ý những điều gì thưa Bác sĩ?
Nghỉ ngơi, báo lại cho bác sĩ khi thấy mệt mỏi, đau nhiều, khó chịu hoặc chảy máu tại vị trí chọc nhân giáp. Không nên sờ nắn vào vùng tuyến giáp vừa chọc.
Xét nghiệm tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm hiện là phương pháp xét nghiệm thường quy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, do bác sỹ chuyên khoa giỏi về nội tiết thực hiện. Việc triển khai phương pháp này là một bước tiến trong xét nghiệm, khắc phục những hạn chế của phương pháp xét nghiệm tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ (chọc mù) thông thường trước đây, giúp người bệnh được tiếp cận với kỹ thuật hiện đại, chính xác nhưng không tốn kém chi phí, nâng cao chất lượng khám bệnh cho người dân tới khám bệnh tại bệnh viện.
Tác giả: Thu Hường