Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc được gọi là “nơi thử lửa của chiến sĩ áo trắng”. Khó khăn càng lớn thì tinh thần quyết tâm càng cao. Tại đây, họ đang dốc sức ngày đêm bảo vệ thành trì y tế tỉnh nhà vì sức khoẻ, bình an của nhân dân và một ngày mai sạch bóng “giặc COVID-19”.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc – Tuyến đầu chống “giặc” COVID-19
Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên. Bệnh viện được thiết lập tại trường Văn hoá nghệ thuật Quân đội tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, địa điểm này là nơi điều trị cho những ca bệnh dương tính với virus corona trong làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 tại Vĩnh Phúc.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc nơi điều trị ca bệnh dương tính với nCoV-2 tại Vĩnh Phúc |
Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng. Cán bộ y tế cả nước đã và đang ra sức, căng mình để quyết tâm phòng chống dịch bệnh. Những ngày qua, cụm từ Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc rất đặc biệt, rất thiêng liêng đối với mỗi người dân Vĩnh Phúc. Bởi đó được coi là tuyến đầu “diệt giặc” COVID-19, cũng là nơi nguy hiểm nhất trong trận chiến này.
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”
Khi nhận được lệnh triệu tập vào Bệnh viện dã chiến, tất cả cán bộ y tế được lựa chọn đều cảm thấy vinh dự, tự hào vì tên mình được gọi tiên phong tuyến đầu chống dịch. Trong số những “chiến sĩ áo trắng”, nhiều người là trụ cột của gia đình, vậy mà họ sẵn sàng gác lại mọi công việc, gác lại mọi tâm tư tình cảm cá nhân để tham gia “trận đánh” với ý chí quyết tâm cao.“Lửa thử vàng gian nan thử sức” - nhiệm vụ này là một thử thách lớn về tinh thần và thể chất. Vì vậy, ai cũng coi đây là chiến trường, là nơi “thử lửa”.
Hướng dẫn người bệnh dùng thuốc hàng ngày |
Làm việc trong bệnh viện dã chiến đòi hỏi tất cả các cán bộ y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như: quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình chăm sóc người bệnh thậm chí cả nội quy về sinh hoạt cá nhân bởi nguy cơ lây nhiễm của căn bệnh rất cao.
Đặc trưng của mùa hè miền Bắc là cái nắng như đổ lửa, là gió lào nóng cháy, là không khí bức và nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở ngưỡng 37, 38 độ C nhiều khi còn cao hơn khiến nhiều người cảm thấy “chỉ thở không cũng mệt”. Vậy mà, khi làm việc, người cán bộ y tế luôn luôn phải khoác trên mình bộ trang phục bảo hộ. Chắc hẳn họ phải giữ cho mình một sức khỏe tốt và một tinh thần thép. Bởi khoác trên người bộ đồ bảo hộ kín mít, cùng khẩu trang chuyên dụng, đôi ủng nặng nề và những lớp kính phòng hộ trong suốt ca trực dài đằng đẵng là một điều hết sức “phi thường”.
Giúp bệnh nhi uống thuốc |
Chị Hồng Hạnh (Điều dưỡng viên) tâm sự: Mặc quần áo phòng hộ lên người không khác gì đi tắm xông hơi quá giờ. Các chị không dám sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm hay kem chống nắng nào. Đồ bảo hộ vừa mặc vào đã chảy mồ hôi rồi chứ chưa nói đến khi vận động, làm việc hay khi trời nắng nóng còn khổ hơn gấp bội. Ai sức khỏe yếu sẽ không thể chịu nổi một giờ bởi di chuyển khó khăn, ngột ngạt, khó thở, cơ thể mất nước mà không dám uống nước vì uống nước vào đồng nghĩa với việc phải …đi vệ sinh, vấn đề này là tối kỵ trong ca trực của nhân viên y tế. Những ngày đầu tiên, nhiều cán bộ tưởng chừng như không trụ nổi, nhưng giờ đã quen rồi.
Hình ảnh giao ca tại BVDC |
Theo quy định nghiêm ngặt của điều trị bệnh lý truyền nhiễm, khi vào ca trực, tất cả nhân viên y tế đều không được mang theo điện thoại di động và hạn chế tối đa việc sử dụng công nghệ. Việc hội chẩn, phối hợp bên trong khu điều trị và bên ngoài đều thông qua điện thoại hữu tuyến.
Trong quá trình điều trị, mỗi ca bệnh lại có những diễn biến khác nhau, có ca bệnh nặng kèm theo bệnh lý nền nên thường xuyên xảy ra những diễn biến phức tạp. Khi gặp những tình huống như vậy, các y bác sĩ phải vô cùng bình tĩnh, “cân não”, chiến đấu quyết liệt với “tử thần” để giành giật mạng sống cho người bệnh. Nhắc lại một ca bệnh đặc biệt trong khu điều trị, Ths.Bs Trần Giáp kể: “Đó là một người bệnh nam, 60 tuổi có tiền sử đái tháo đường. Trong quá trình điều trị người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở, đến ngày thứ 7 thì ông xảy ra diễn biến suy hô hấp nặng, thở máy không đáp ứng. Kíp trực đã lập tức thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản thở máy xâm nhập kịp thời cứu sống người bệnh. Sau đó, các bác sĩ của bệnh viện dã chiến tỉnh đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tuyến Trung ương để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất để không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giúp họ khỏi bệnh trở về với gia đình và cộng đồng.
Kiểm tra tủ thuốc trực |
Tại Bệnh viện dã chiến, ngoài việc thực hiện chuyên môn là điều trị, chăm sóc người bệnh thì nhân viên y tế, nhất là các điều dưỡng viên còn là những “người vận chuyển” đắc lực cho người bệnh (anh chị em vẫn thường nói vui với nhau rằng “mình là shipper”). Bởi tính chất nguy hiểm của căn bệnh nên người bệnh không được phép ra ngoài, không có người nhà đi cùng để chăm sóc. Hết thảy mọi vấn đề cung ứng nhu yếu phẩm cho người bệnh, mang suất ăn đến từng phòng bệnh, vận chuyển tiếp tế của người nhà người bệnh gửi vào và hơn hết là động viên tinh thần, cố gắng đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của người bệnh, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho người bệnh.
Hỗ trợ những nhu cầu tối thiểu cho người bệnh |
Ngoài những công việc thường ngày, thì các “chiến sĩ áo trắng” trong bệnh viện dã chiến luôn dành cho đồng nghiệp của mình sự quan tâm, chia sẻ. Bao nhiêu ngày chống dịch là bấy nhiêu ngày họ kề vai sát cánh bên nhau và gọi nhau bằng hai tiếng thiêng liêng “đồng chí”. Tuy phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách y tế trong phòng dịch và điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhưng càng khó khăn bao nhiêu thì sự quyết tâm, ý chí chiến đấu lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu, tập thể cán bộ thầy thuốc và nhân viên y tế cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi” động viên khích lệ đồng đội mình vượt qua mọi khó khăn:
“Mặc dù rất quyết tâm nhưng cũng không tránh khỏi những phút băn khoăn, lo lắng về những vấn đề cá nhân. Chính vì thấu hiểu được những khó khăn vất vả ở nơi này cũng như tâm tư tình cảm của mọi người, anh chị em vẫn luôn động viên nhau cùng cố gắng, chiến đấu đến ngày… “bệnh viện dã chiến đóng cửa” - Chị Hồng Hạnh chia sẻ.
Quyết tâm bảo vệ thành trì y tế tỉnh nhà vì sức khoẻ bình an của nhân dân vì ngày mai sạch bóng giặc covid-19 |
Mặc dù điều kiện làm việc vất vả, hiểm nguy, có những lúc chứng kiến đồng nghiệp mình kiệt sức thậm chí phải rời khỏi “trận địa” trước. Nhưng hết thảy là sự quyết tâm, là tinh thần quả cảm, là đáp lại lời kêu gọi của non sông và quê nhà Vĩnh Phúc thân yêu. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” - cán bộ nhân viên y tế tỉnh Vĩnh Phúc cùng nhau bảo vệ thành trì y tế tỉnh nhà vì sức khoẻ, bình an của nhân dân, vì một ngày mai sạch bóng “giặc COVID-19”.
Tác giả: Thành Tuyên