Tim mạch là bệnh lý xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu, bia ở mức độ nguy hại... Vì vậy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể dự phòng bằng cách giải quyết các yếu tố nguy cơ này.
Bài viết do Khoa Dinh dưỡng tham mưu thực hiện
Dưới đây là 11 khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng cho bệnh tim mạch rất hữu ích đối với người bệnh và cả những người khỏe mạnh muốn phòng ngừa bệnh tim.
1. Kiểm soát khẩu phần ăn
Để kiểm soát khẩu phần ăn của mình, nên sử dụng bát hoặc đĩa nhỏ để đựng thức ăn, nên ăn nhiều hơn các loại thực phẩm ít calo nhưng giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như rau và trái cây, đồng thời cắt giảm lượng tiêu thụ các thực phẩm giàu calo và natri.
2. Theo dõi số lượng khẩu phần ăn
Khẩu phần là một lượng thực phẩm cụ thể, được xác định bằng các phép đo thông thường như gam, cốc hoặc miếng. Ví dụ, một khẩu phần mì ống sẽ tương đương với 1/3 – 1/2 cốc hoặc bằng kích thước của một quả bóng khúc côn cầu. Một khẩu phần thịt, gà hoặc cá sẽ tương đương với 70 – 100 gam, hoặc bằng kích thước và độ dày của một bộ bài, ngốn tay, bàn tay. Số lượng khẩu phần được khuyến nghị cho mỗi nhóm thực phẩm khác nhau.
3. Bổ sung nhiều rau và trái cây
Các loại rau và trái cây góp phần vào sức khỏe tim mạch thông qua nhiều loại chất dinh dưỡng thực vật, kali và chất xơ. Khẩu phần ăn của bạn cần khoảng 500 gam rau củ và trái cây mỗi ngày. Mặt khác nên ăn đa dạng các loại rau củ quả, đặc biệt là các loại rau, củ quả có chứa các chất giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh tim mạch
Một số loại rau và trái cây nên lựa chọn như: Rau và trái cây tươi hoặc đã được đông lạnh, Các loại rau đóng hộp ít natri, Trái cây đóng hộp được đóng gói trong nước trái cây hoặc nước thông thường.
Một số loại rau và trái cây cần hạn chế sử dụng như: Dừa, Rau với nước sốt kem, Rau chiên hoặc tẩm bột, Trái cây đóng hộp được đóng gói trong siro đặc, Trái cây đông lạnh có thêm đường, ...
4. Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt:
Ngũ cốc nguyên hạt là một nguồn cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng khác vô cùng dồi dào, có vai trò trong việc điều hòa huyết áp và sức khỏe tim mạch.
Nên chọn: Bột mì, bánh mì nguyên hạt, tốt nhất là bánh mì 100% lúa mì hoặc bánh mì 100% ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc giàu chất xơ, với 5 g chất xơ trở lên trong một khẩu phần ăn, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch và kiều mạch (kasha), Mì ống nguyên chất, bột yến mạch
Một số loại nên tránh lựa chọn như: Bột mì trắng đã tinh chế, Bánh mì trắng, Bánh nướng xốp, Bánh quế đông lạnh, Bánh mì ngô, Bánh rán, Bánh quy, Bánh mì nhanh, Bánh ngọt, Bánh nướng, Mì trứng, Bắp rang bơ, Bánh quy snack giàu chất béo
5. Hạn chế tiêu thụ các chất béo không lành mạnh
Việc hạn chế tiêu thụ các chất béo bão hoà và chất béo chuyển hóa là một bước quan trọng để giúp bạn giảm lượng cholesterol trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
- Axit béo thể trans (các loại dầu và chất béo được hydrogen hóa): dưới 1% của khẩu phần năng lượng
- Các axit béo no từ các loại thịt mỡ, nội tạng động vật … liên quan tăng Cholesterol máu và tiến triển bệnh mạch vành
- Cần tăng khẩu phần axit béo không no nhiều nối đôi (đặc biệt Omega-3 và omega-6) có nhiều trong cá, quả óc chó, hạt lanh, dầu hạt cải và đậu nành
- Năng lượng do A. xit béo cung cấp 15 – 25 %. Trong đó Axit béo no không quá 10%. Tốt nhất là 7 -8%
- Hạn chế khẩu phần chất béo từ các nguồn thịt và sản phẩm từ sữa, tránh sử dụng dầu và chất béo bị hydrogen hóa trong quá trình nấu và sản xuất các thực phẩm.
- Sử dụng dầu thực vật thích hợp, đảm bảo khẩu phần cá đều đặn (1-2 lần / tuần) hoặc các nguồn thực vật giàu axit - linoleic (cây họ đậu, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt đậu nành và đậu phụ)
Cần khuyến khích các phương pháp không rán trong thực hành chế biến.
6. Lựa chọn nguồn protein ít chất béo
Các loại thịt cá, thịt gia cầm, thịt nạc, trứng và các sản phẩm từ sữa ít béo là những nguồn thực phẩm cung cấp protein tốt nhất cho cơ thể.
- Cá: Tiêu thụ cá đều đặn (1-2 lần/ tuần) có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh mạch vành tim và đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Khẩu phần ăn cần cung cấp tương đương 200-500mg axit eicosapentaenoic và docosahexaenoic.
- Các loại đậu như đậu lăng và đậu Hà Lan cũng được xem là những nguồn cung cấp protein dồi dào, hơn nữa lại chứa rất ít chất béo và không có cholesterol.
7. Giảm lượng tiêu thụ natri.
Tiêu thụ nhiều natri có thể góp phần làm tăng mức huyết áp – một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Do đó, giảm natri là một phần quan trọng của chế độ ăn uống tốt cho tim mạch.
- Hạn chế muối ăn dưới 5 gam.
- Cần tính tổng lượng natri từ tất cả các nguồn trong chế độ ăn.
- Sử dụng các chất thay thế ít natri và làm giàu Kali.
- Điều chỉnh iod hóa muối cũng cần thiết tuỳ thuộc vào khẩu phần natri quan sát được và giám sát tình trạng iod trong quần thể dân cư.
8. Hấp thụ đủ lượng Kali cần thiết cho cơ thể
Khẩu phần ăn đủ kali làm giảm HA và có tác dụng bảo vệ chống lại đột quỵ và chứng loạn nhịp tim. Khẩu phần kali cần giữ ở mức để cho tỷ số Natri/kali gần với 1, nghĩa là mức kali trong khẩu phần là 70-80 mmol/ ngày.
9. Lên kế hoạch: Tạo thực đơn mỗi ngày
Việc xây dựng thực đơn hàng ngày là bước quan trọng giúp người bệnh tim mạch kiểm soát huyết áp, cholesterol và cân nặng hiệu quả. Một thực đơn khoa học nên ưu tiên rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo và các loại hạt. Đồng thời, cần hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn. Việc lên kế hoạch trước sẽ giúp bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn uống ngẫu hứng và hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị cũng như phòng ngừa biến chứng tim mạch.
10. Đôi khi “buông lỏng” bản thân
Trong hành trình chăm sóc sức khỏe, đặc biệt với người bệnh tim mạch, kỷ luật là điều cần thiết. Nhưng đôi khi, cho phép bản thân “buông lỏng” một chút để nghỉ ngơi, thư giãn cũng giúp tinh thần được giải tỏa, giảm căng thẳng và tăng động lực duy trì lối sống lành mạnh lâu dài. Điều quan trọng là người bệnh phải giữ được sự cân bằng, lắng nghe cơ thể, không phá vỡ kế hoạch ăn uống và áp dụng chế độ ăn khoa học trong dài hạn
11. Hoạt động thể lực
Tập luyện thể dục đều đặn là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng và theo dõi sát sao các dấu hiệu cơ thể trong quá trình luyện tập. Khởi động nhẹ nhàng, tập đúng mức, đủ thời gian (ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần) và nghỉ ngơi hợp lý là những nguyên tắc quan trọng.
Các hoạt động thể lực phù hợp như đi bộ, đạp xe, bơi lội hay yoga giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm huyết áp, ổn định đường huyết và tăng cường sức bền cho tim.
Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp duy trì sức khỏe tim mạch mà còn là “lá chắn” tự nhiên phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Việc tuân thủ 11 khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người bệnh tim mạch trên đây chính là nền tảng giúp trái tim hoạt động ổn định và khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Nếu bạn còn băn khoăn về chế độ dinh dưỡng phù hợp hoặc cần được tư vấn chuyên sâu, hãy đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Đội ngũ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng đồng hành, giúp bạn xây dựng lối sống khoa học và chăm sóc tim mạch một cách hiệu quả nhất.
Tác giả: Hà Trang