Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng khu cách ly theo tiêu chuẩn Bộ Y tế đưa ra. Bệnh viện đã khám 282 lượt người bệnh và theo dõi, chăm sóc, điều trị cách ly cho 31 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Từ khi Vĩnh Phúc xuất hiện những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 đầu tiên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Bộ Y tế, Sở Y tế Vĩnh Phúc, Ban giám đốc Bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp, thậm chí là những cuộc họp được triệu tập ngay trong đêm. Nhận thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh và sự cấp bách của phòng chống dịch Covid 19Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ban chấp hành Đảng ủy và Ban giám đốc Bệnh viện đã thành lập BCĐ chống dịch, đồng thời 12 đội phản ứng nhanh trong đó: 04 đội phản ứng nhanh nội viện và 08 đội phản ứng nhanh ngoại viện, bố trí trực dịch 24/7. Tạm ngừng hoạt động của 02 khoa lâm sàng để tập trung nhân lực, vật lực cho khu cách ly gồm 40 giường bệnh. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện nghiêm ngặt (phun khử trùng, khử khuẩn bề mặt, phân loại rác thải…). Đồng thời gấp rút xây dựng khu khám bệnh cách ly riêng biệt với 02 phòng khám và 01 phòng đón tiếp tư vấn.
Hướng đi đến phòng khám bệnh lý hô hấp cấp tính (Covid-19) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc |
Bệnh viện đã xây dựng quy trình khám bệnh riêng cho những người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19. Bệnh viện bố trí những bảng chỉ dẫn cụ thể về đường đi và các phòng khám. Bệnh đó, người bệnh được nhân viên đón tiếp hướng dẫn ngay tại cổng vào, được hướng dẫn về quy trình khám bệnh. Hướng dẫn và đề nghị người bệnh sử dụng các biện pháp phòng ngừa tối thiểu như sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn, đeo khẩu trang y tế trước khi vào nơi tiếp đón và đăng ký. Tại khu khám bệnh cách ly, người bệnh được khám, sàng lọc và tư vấn cụ thể về tình hình sức khỏe, bệnh tật và lựa chọn biện pháp cách ly phù hợp.
Nơi tiếp đón hướng dẫn người bệnh |
Bác sĩ CKI Lê Thị Hiền (khoa Truyền nhiễm) cho biết: Việc xác định đúng trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 cần có các yếu tố: Triệu chứng lâm sàng (sốt ho, khó thở hoặc viêm phổi); Có yếu tố dịch tễ liên quan (đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày …); Người tiếp xúc gần với trường hợp xách định hoặc trường hợp nghi ngờ bệnh trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. Vì vậy, với mỗi trường hợp nghi ngờ đến khám đều được các y bác sĩ khai thác thông tin dịch tễ chi tiết, kết hợp thăm khám lâm sàng để có thể quyết định cho người đó cách ly theo dõi tại nhà hay nhập viện theo dõi, cách ly, điều trị.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vĩnh Phúc, cán bộ bệnh viện được liên tục tham gia các lớp tập huấn cập nhật kiến thức do Bộ Y tế, Sở Y tế và Bệnh viện tổ chức. Đây là sự thuận lợi rất lớn để chúng tôi có thể cập nhật kiến thức và áp dụng vào thực tiễn điều trị.
Tôi rất cảm động khi BGĐ Bệnh viện không chỉ quan tâm đến người bệnh mà dành sự quan tâm, động viên đến những cán bộ thầy thuốc đang ngày đêm tham gia chống dịch. Chúng tôi được chăm lo đầy đủ các bữa ăn, khu làm việc được bày trí thêm nhiều cây xanh và hoa giúp tinh thần và hiệu quả làm việc được nâng cao.
Khu khám bệnh cách ly được bày trí nhiều cây xanh và hoa giúp không gian làm việc trở nên xanh - sạch - đẹp |
Là người được phân công làm việc tại khu khám bệnh lý hô hấp cấp tính (Covid-19), Cử nhân Điều dưỡng Nguyễn Thị Vân (Khoa Khám bệnh) tâm sự: Xác định là một chiến sĩ áo bluose trắng và tinh thần “chống dịch như chống giặc” chúng tôi luôn trong tư thế chiến đấu với bệnh dịch, luôn cập nhật kiến thức về bệnh dịch cũng như cách phòng chống dịch để có thể tư vấn cho người bệnh và bảo vệ bản thân. Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với nhiều người bệnh có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19, tôi và đồng nghiệp luôn ý thức và thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ an toàn. Vì vậy khi làm nhiệm vụ tôi không hề cảm thấy lo lắng và luôn giữ tinh thần lạc quan để động viên và hỗ trợ người bệnh.
Với phương châm “coi người bệnh như là người thân”, cán bộ thầy thuốc bệnh viện luôn hết lòng phục vụ người bệnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt, đối với người bệnh đang trong quá trình cách ly với nghi ngờ nhiễm Covid-19 - bệnh lý truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh và đang gây hoang mang lo sợ cho toàn cầu.
Khu cách ly tại Bệnh viện |
Cử nhân Điều dưỡng Kim Ánh (làm việc tại khu cách ly) cho biết: Hàng ngày chúng tôi thực hiện theo y lệnh của bác sĩ, theo dõi thân nhiệt của người bệnh thường xuyên. Đối với những người bệnh đang trong tình trạng phải cách ly, tâm trạng của họ luôn hoang mang lo sợ, có nhiều trường hợp tâm sự rằng cảm thấy bản thân đang stress nặng. Do vậy, chúng tôi xác định động viên tinh thần và chăm sóc người bệnh là việc vô cùng quan trọng giúp người bệnh có tâm lí tốt để yên tâm và phối hợp điều trị.
Hàng ngày đi buồng chúng tôi luôn động viên tinh thần người bệnh. Đồng thời hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay, đeo khẩu trang đúng cách. Hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, điều chỉnh khẩu phần ăn giúp người bệnh ngon miệng hơn, cung ứng nước ấm cho người bệnh dùng trong sinh hoạt, hỗ trợ người bệnh giặt trang phục và khử khuẩn theo quy định…
Điều dưỡng viên hướng dẫn người bệnh sử dụng nước sát khuẩn họng để phòng dịch Covid-19 |
Trải qua 14 ngày theo dõi, cách ly và điều trị, người bệnh N.X.T (26 tuổi, người tiếp xúc gần) ra viện với kết quả “Âm tính với Covid-19”. Anh bày tỏ trong niềm vui khôn xiết: “Khi nhận được kết quả em vui lắm, cảm thấy cuộc đời mình như nở hoa. 14 ngày nhập viện theo dõi, cách ly, điều trị là những ngày em trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất trong cuộc đời.
Những ngày đầu tiên khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 em cảm thấy vô cùng stress, bản thân lo lắng, gia đình em cũng lo lắng, em bị kỳ thị ngay tại nơi mình sinh sống và phải khai báo về thông tin cá nhân đã đi đâu, làm gì, với ai,… vẫn biết đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình nhưng em thực sự không thoải mái.
Đến khi đi khám và có chỉ định nhập viện, em cảm thấy tâm trạng cực kỳ tồi tệ và nghĩ rằng mình sẽ phải cô đơn đấu tranh với con virus quái ác này. Nhưng không, vào đây còn có nhiều người khác chiến đấu với nó cùng em. Đó là các anh chị bác sĩ, điều dưỡng những người trực tiếp thăm khám, điều trị và chăm sóc cho em. Hàng ngày, ngoài việc được khám bệnh, tiêm, truyền,.. em còn được chăm lo từng bữa ăn. Câu hỏi em nhận được nhiều nhất là: “Hôm nay em cảm thấy thế nào? Ăn có ngon miệng không?” Những câu hỏi và sự quan tâm chăm sóc đó khiến em cảm thấy tốt lên từng ngày, em cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều. Và không có gì vui hơn khi em được thông báo kết quả “Âm tính” vào ngày thứ 6 trong đợt điều trị cách ly. Những ngày tiếp sau, em tiếp tục phối hợp với bác sĩ để tiếp tục theo dõi và điều trị cho đến khi đủ điều kiện ra viện.
Cán bộ thầy thuốc bệnh viện sát cánh cùng nhân dân và người bệnh chống dịch Covid-19 (Ảnh chụp tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc) |
Có thể nói với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc, cán bộ nhân viên bệnh viện luôn nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” sẵn sàng ra “tiền tuyến” khi nhận có yêu cầu. Càng thấm nhuần hơn nữa tinh thần dân tộc, tinh thần lương y và lòng yêu thương con người cán bộ thầy thuốc Bệnh viện quyết không để người bệnh cảm thấy bị kỳ thị và cô đơn khi phải theo dõi, cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Tác giả: Thành Tuyên