Do điều kiện đặc thù chống dịch, nên năm nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc không tổ chức gặp mặt nhân dịp kỉ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2) như thường niên mà kết hợp chúc mừng “đơn sơ” trong giao ban bệnh viện buổi sáng.
Năm 2020 là kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành Y tế Việt Nam, cũng kỉ niệm 70 năm xây dựng và phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng nhìn lại quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, chúng ta đều thấy được sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Bệnh viện. Mặc dù trong những năm gần đây Bệnh viện phải đối mặt với nhiều thử thách đặc biệt là công cuộc “di chuyển bệnh viện” tháng 9 năm 2016. Đây là một sự kiện chưa từng có trong tiền lệ, Bệnh viện không những đảm bảo an toàn về con người đặc biệt là đảm bảo tính mạng người bệnh mà còn phải đảm bảo về an toàn máy móc trang thiết bị y tế.
Tập thể cán bộ Bệnh viện tham gia xây dựng bệnh viện với cường độ cao và tâm huyết vô cùng lớn. Bệnh viện đã cải tạo Bệnh viện Phục hồi chức năng Tỉnh thành một cơ sở tương đối đầy đủ, sạch sẽ, khang trang của Bệnh viện đa khoa Tỉnh với quy mô từ 300 giường bệnh lên đến 950 giường để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
|
Cán bộ thầy thuốc Bệnh viện được vinh danh trong ngày kỉ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt nam |
Từ tháng 12 năm 2019, với sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona trên thế giới. Đặc biệt từ khi Vĩnh Phúc xuất hiện ca bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 đầu tiên. Là đơn vị tuyến đầu của ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, những chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện lại bước vào một cuộc chiến mới với vô vàn nguy hiểm, khó khăn, thử thách.
Lịch sử y học đã ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch các dịch bệnh nguy hiểm như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV... Tuy nhiên, để có được thành quả đó, nhiều tấm gương cán bộ thầy thuốc đã hi sinh thân mình trong cuộc chiến chống dịch. Những dấu ấn đau thương của dịch SARS 2003 còn đó, 06 cán bộ thầy thuốc của Bệnh viện Việt Pháp đã dũng cảm hi sinh để góp phần đẩy lùi dịch bệnh thế kỷ, nhưng sự hi sinh đó mới chỉ là “những sự hi sinh thầm lặng”.
Noi gương những thế hệ cha anh đi trước, cán bộ thầy thuốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc luôn xông pha tuyến đầu trong phong trào chống dịch. Bệnh viện đã cử nhiều kip bác sĩ xuống hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới như Bình Xuyên, Tam Đảo.
Khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Vĩnh Phúc được khoang vùng “tâm dịch”, cán bộ Bệnh viện tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh và Ngành y tế tham gia tổ chức Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 300 giường bệnh để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh việc công cuộc phòng chống dịch bệnh, cán bộ thầy thuốc bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân mà Đảng và Nhà nước giao phó. Phát biểu trong lễ giao ban sáng 27/2 Ts.Bs Lê Hồng Trung đã ghi nhận và biểu dương những cống hiến của cán bộ bệnh viện: “Chúng tôi thấu hiểu công lao của các đồng chí cùng như nhìn thấy được sự nỗ lực và tâm huyết của mỗi người. Công cuộc xây dựng Bệnh viện còn kéo dài. Ngoài lời cảm ơn, tri ân đến tập thể cán bộ bệnh viện. Bệnh viện xin được vinh danh một số cá nhân đã có nhiều năm công tác xây dựng bệnh viện và các tập thể đi tiên phong trong phong trào chống dịch Covid-19. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc xin được kính chúc các đồng chí Sức khỏe - Hạnh phúc - Thành công và quyết tâm cao hơn nữa để dập tắt dịch bệnh nguy hiểm trong đợt này”.
Đáp lại lời phát biểu của Ts.Bs Lê Hồng Trung là tràng pháo tay kéo dài của cán bộ thầy thuốc có mặt trong hội trường giao ban, đó cũng là biểu hiện cho sự đồng lòng quyết tâm của tập thể cán bộ nhân viên Bệnh viện trong công cuộc xây dựng và phát triển bệnh viện cũng như quyết tâm dập tắt dịch Covid-19.
Tác giả: Thu Thủy